Hà Nội đề xuất điều chỉnh vốn nhiều dự án lớn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đến hết tháng 6, giải ngân vốn đầu tư công của TP. Hà Nội đạt 10.777 tỷ đồng, tương ứng 21,1% kế hoạch giao, thấp hơn mặt bằng chung của cả nước. TP. Hà Nội đã xác định nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này, trong đó đề xuất giảm vốn nhiều dự án gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện, chậm tiến độ không có khả năng thực hiện và giải ngân hết kế hoạch vốn đã giao.
Đến ngày 30/6/2022, giải ngân vốn đầu tư công của TP. Hà Nội đạt 10.777 tỷ đồng, tương ứng 21,1% kế hoạch giao, thấp hơn mặt bằng chung cả nước. Ảnh: Lê Hiếu
Đến ngày 30/6/2022, giải ngân vốn đầu tư công của TP. Hà Nội đạt 10.777 tỷ đồng, tương ứng 21,1% kế hoạch giao, thấp hơn mặt bằng chung cả nước. Ảnh: Lê Hiếu

Dự án Hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây TP. Hà Nội (trạm bơm tiêu Yên Nghĩa - giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư 4.722 tỷ đồng, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội là chủ đầu tư. Theo số liệu của UBND TP. Hà Nội, năm 2022, kế hoạch vốn năm 2021 kéo dài sang 113,9 tỷ đồng, giải ngân đến hết ngày 15/6/2022 được 26,7 tỷ đồng; kế hoạch vốn năm 2022 đã giao là 1.043 tỷ đồng, giải ngân đến hết ngày 15/6/2022 chỉ được 213 tỷ đồng. Hiện vướng mắc lớn nhất của Dự án là công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn quận Hà Đông. Với tiến độ hiện nay không thể giải ngân hết kế hoạch vốn được giao, ước thực hiện năm 2022 cả hai nguồn vốn là 336,962 tỷ đồng. Vì thế, UBND TP. Hà Nội đề xuất điều chỉnh giảm 500 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2022 của Dự án.

Là dự án trọng điểm chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020, Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội đoạn Nhổn - ga Hà Nội ước tính chỉ giải ngân được khoảng 1.707 tỷ đồng trên tổng số 3.530 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2020 đã giao. Nguyên nhân chậm giải ngân được nêu ra là do dịch bệnh không nhập khẩu được thiết bị; Gói thầu CP 03 dừng thi công do nhà thầu và chủ đầu tư đang thực hiện giải quyết tranh chấp; chưa thanh toán được hết hợp đồng trọn gói cho tư vấn do Thanh tra Chính phủ đề nghị tạm dừng thanh toán; vướng mắc do khác biệt giữa quy định hiện hành và hợp đồng quốc tế… UBND TP. Hà Nội đề xuất giảm 230 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2022 của Dự án.

Dự án Xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên hiện gặp vướng mắc chính là Tổng cục Phòng chống thiên tai không đồng ý cấp phép trong mùa mưa bão nên chưa có mặt bằng để thi công đoạn 3 dài 2,7 km từ ngõ 124 Âu Cơ đến nút giao Lạc Long Quân. Ước cả năm 2022 chỉ giải ngân được 50 tỷ đồng, trong khi kế hoạch vốn là 180 tỷ đồng, TP. HN đề xuất giảm 130 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2022 của dự án này.

Đây là 3 trong số 28 dự án cấp thành phố được UBND TP. Hà Nội đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch vốn năm 2022. Trong 25 dự án còn lại có 1 dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng không có nhu cầu vốn, còn lại hầu hết bị chậm giải ngân do vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Có khá nhiều dự án giao thông trong danh sách này, như Dự án Xây dựng tuyến đường vào Khu công nghiệp Sóc Sơn (giảm 45 tỷ đồng); Dự án Xây dựng đường nối Khu đô thị vệ tinh với đường Võ Nguyên Giáp, huyện Sóc Sơn do UBND huyện Sóc Sơn là chủ đầu tư (giảm 55 tỷ đồng). Dự án Cải tạo, mở rộng ngõ 381 Nguyễn Khang (từ phố Thành Thái đến phố Nguyễn Khang) do UBND quận Cầu Giấy là chủ đầu tư (giảm 60 tỷ đồng)… Tổng số vốn đề xuất điều chỉnh giảm của 28 dự án là 1.667,1 tỷ đồng.

Cùng với đề xuất điều chỉnh giảm vốn 28 dự án, với kế hoạch đầu tư dự án cấp Thành phố, UBND TP. Hà Nội đề xuất tăng vốn cho 47 dự án với tổng số vốn bổ sung là 827,108 tỷ đồng. Trong danh sách này có Dự án Đầu tư xây dựng hầm chui tại nút giao giữa đường Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố là chủ đầu tư (đề xuất tăng 123 tỷ đồng). Dự án Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai đề xuất bổ sung 70 tỷ đồng. Dự án Xây dựng Cung thiếu nhi Hà Nội đề xuất bổ sung 100 tỷ đồng để thanh toán khối lượng dự kiến thực hiện vì đẩy nhanh tiến độ, ước giải ngân cả năm 2022 được 400 tỷ đồng trong khi kế hoạch vốn đã giao là 300 tỷ đồng…

Ngoài ra, UBND TP. Hà Nội cũng đề xuất tăng, giảm kế hoạch vốn đối với dự án thuộc nhiệm vụ chi cấp huyện được ngân sách thành phố hỗ trợ; tăng, giảm kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 nhiều dự án.

UBND TP. Hà Nội khẳng định các dự án điều chỉnh giảm cũng như đề xuất bổ sung kế hoạch vốn đều được rà soát chi tiết, đánh giá đầy đủ khả năng thực hiện để bảo đảm giải ngân hết số vốn sau điều chỉnh.