Một hầm gửi xe tại trung tâm thương mại. |
Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội vừa có thông báo số 2929/TB-QHKT thay thế thông báo 1823/TB-QHKT quy định về việc công trình cao tầng phải bố trí tối thiểu 3 tầng hầm để xe và xây dựng nhà vệ sinh công cộng.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thành phố, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã tổ chức cuộc họp với các sở, ngành liên quan vào ngày 20/5 và ngày 1/6 để nghiên cứu, đề xuất các chính sách, quy định cụ thể trên cơ sở đó tổng hợp các ý kiến liên ngành báo cáo UBND thành phố.
“Trong thời gian chưa có quy định của UBND thành phố, để đảm bảo không ảnh hưởng đến việc của Sở theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Giám đốc Sở yêu cầu các phòng, ban, đơn vị tiếp tục duy trì việc giải quyết hồ sơ, công văn theo đề nghị của các cá nhân, tổ chức theo đúng quy hoạch, quy chế được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành và chỉ đạo của UBND thành phố, đảm bảo tiến độ theo quy định”, công văn nêu rõ.
Trước đó, sau khi Thành ủy Hà Nội họp và nghe các báo cáo, đề xuất của các sở, ngành, cơ quan về nhiệm vụ trọng tâm của UBND thành phố Hà Nội thời gian tới, Thành ủy đã có chỉ đạo chung các nhiệm vụ.
Trong đó, đáng chú ý có quy định về việc xây dựng các công trình, khu đô thị, trung tâm thương mại trong thiết kế và xây dựng phải bố trí thêm diện tích tầng hầm để xe, tối thiểu 3 tầng hầm, để vừa đảm bảo chỗ để xe của cư dân và của thành phố.
Căn cứ chỉ đạo của Thành ủy, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã có thông báo số 1823/TB-QHKT trong đó quy định tại các công trình, khu đô thị, trung tâm thương mại phải có tối thiểu 3 tầng hầm để xe.
Tuy nhiên, ngày 12/5, UBND thành phố đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo các sở, ngành chức năng bao gồm Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với các Sở: Xây dựng, Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp vàViện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nghiên cứu, đề xuất các biện pháp, chính sách để cụ thể hóa nội dung chỉ đạo của Thành ủy.
Đã có nhiều ý kiến trái chiều về quy định này trong thời gian qua, đa phần các chuyên gia, nhà chuyên môn và người dân đều cho đó là một chủ trương đúng đắn, được nhiều người ủng hộ. Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp địa ốc lại khá hoang mang, lo ngại ảnh hưởng tới kế hoạch đầu tư, kinh doanh đến các dự án.
Mới nhất, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) kiến nghị thành phố Hà Nội trước mắt có văn bản dừng hiệu lực của thông báo của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, vì cho rằng thông báo đã và đang gây ách tắc hoạt động đầu tư và kinh doanh bất động sản trên địa bàn thành phố, gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp, đến khi Thành phố có quyết định chính thức.
Đồng thời, yêu cầu cần phải xác định rõ quy mô, vị trí, tính chất… của các dự án, công trình khi áp dụng các quy định này và phải phù hợp với quy hoạch tổng thể của toàn thành phố trong việc bố trí mạng lưới giao thông tĩnh cũng như các khu vệ sinh công cộng.
Mặt khác, các quy định này cần phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành đã được ban hành trước đó như Quy chuẩn xây dựng nhà chung cư do Bộ Xây dựng ban hành cũng như cần có sự tham khảo ý kiến của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trước khi có hiệu lực.