Ngày 30/7, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội yêu cầu quận Bắc Từ Liêm tháo dỡ biển tên đường Ngô Minh Dương (ở phường Xuân Tảo); báo cáo ngay về việc tự phát đặt tên con đường này.
"Tên gọi Ngô Minh Dương không có trong danh sách dự kiến đặt tên đường của thành phố Hà Nội, việc đặt tên là không đúng quy định", Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội Tô Văn Động nói.
Đường "Ngô Minh Dương" dài gần 100 m, chạy qua khu đô thị Ngoại giao đoàn, nối từ đường Phạm Văn Đồng ra đường Võ Chí Công. Ba tháng trước, tấm biển được dựng lên và được một số hộ dân ghi trước cửa nhà mình; đồng thời xuất hiện trên ứng dụng bản đồ của Google.
Biển tên đường Ngô Minh Dương do người dân khu vực chụp tháng 4/2019, hiện đã được dỡ bỏ.
Biển hiệu ghi địa chỉ đường Hyundai ở phường Hà Cầu (quận Hà Đông).
Một con đường khác dài hơn 200 m ở phường Hà Cầu (quận Hà Đông), từ đầu năm 2019 cũng xuất hiện nhiều biển hiệu hàng quán ghi địa chỉ "đường Hyundai". Theo người dân, khu vực này trước đây là ngách nhỏ, sau khi khu chung cư Hyundai Hillstate trên địa bàn xây dựng xây dựng thì mở thành đường lớn.
"Tôi thuê mặt bằng để mở quán ăn, thấy một số người gọi đây là đường Hyundai nên đặt biển như vậy để khách dễ nhớ", ông Nguyễn Văn Chung (chủ một quán phở) nói.
Bà Đoàn Thị Thu Hà - Chánh Văn phòng UBND quận Hà Đông nói, "chưa nắm đường thông tin về việc người dân tự treo biển địa chỉ đường Hyundai, Quận sẽ đề nghị Phòng văn hóa và phường Hà Cầu kiểm tra".
Lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội khẳng định, "trong ngân hàng tên đường của Hà Nội không có đường Huyndai, do vậy tên đường tự phát này không đúng quy định".
Nhà sử học Dương Trung Quốc - người nhiều năm tham gia hội đồng tư vấn đặt tên đường phố ở Hà Nội cho rằng, tốc độ đô thị hóa của thành phố quá nhanh, dẫn đến việc nhiều tuyến đường mới mở, dân cư đã về ở đông đúc nhưng chưa có tên gọi.
"Người dân sinh sống ở khu phố mới có nhu cầu định vị địa chỉ, để tiện đi lại, giao dịch. Trong khi quy trình đặt tên, đổi tên đường lại tương đối phức tạp, tốn nhiều thời gian bàn thảo. Đôi khi chỉ riêng việc chọn tên danh nhân, người cống hiến cho đất nước, địa phương còn gây tranh cãi, lúc đặt tên gắn biển lại nảy sinh chuyện phố ngắn hay dài", ông Quốc nói.
Nhà sử học đề xuất đặt tên đường phố mới theo định vị phương hướng (thay vì chỉ sử dụng tên danh nhân), đánh số các đường để người dân dễ xác định địa chỉ; sau này thành phố có nhu cầu đặt tên gọi khác thì sẽ sửa lại tên đường.
Việc đặt tên đường trên địa bàn Hà Nội có quy trình chặt chẽ và phải trải qua 11 bước. Từ kiến nghị của cơ sở, thảo luận của hội đồng tư vấn gồm nhà quản lý, nhà khoa học..., sau đó Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ quyết định thông qua tên đường.