Có thể nói, vận nước đang đứng trước những cơ hội đổi thay lớn lao. Đại hội Đảng XII được tổ chức thành công với tư duy đột phá, tầm nhìn rộng mở, định hướng đúng đắn đã tạo sự đồng thuận lớn trong toàn xã hội. Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ mới được kiện toàn với những nhân tố mới đang bừng lên kỳ vọng về một Nhà nước kiến tạo phát triển. Đây là những nhân tố hết sức quan trọng, bảo đảm cho sự thành công của đất nước trong giai đoạn phát triển mới trên nền tảng những thành tựu kinh tế - xã hội đã đạt được, đặc biệt là sau hơn 3 thập kỷ đổi mới vừa qua.
Trên bình diện quốc tế, chưa bao giờ không gian phát triển của Việt Nam được mở rộng nhanh chóng thông qua hội nhập kinh tế quốc tế như thời điểm hiện nay. Việc thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sẽ khơi dậy tiềm năng của đất nước và sức sáng tạo của nhân dân.
Song, con đường phát triển của Việt Nam dự báo cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức ở cấp độ cao hơn.
Trước hết, những yếu kém nội tại của nền kinh tế sau một thời gian phát triển theo chiều rộng đã để lại những hệ lụy trầm trọng. Trong đó, đáng chú ý là cơ cấu kinh tế bất hợp lý, chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp.
Vấn nạn tham nhũng, lãng phí, kém hiệu quả trong đầu tư công còn phổ biến, kéo lùi sự phát triển của đất nước. Căn bệnh vô cảm với môi trường, với sức khoẻ người dân… còn ẩn họa, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững.
Trong khi đó, thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt nghiêm trọng ngày càng diễn biến khó lường, làm tan biến nhiều thành quả, công sức của nhân dân.
Ở bên ngoài, những biến động địa chính trị đã tạo ra không ít rào cản đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp; xu hướng bảo hộ xuất hiện làm dày lên khó khăn đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Nguồn vốn ODA bị cắt giảm rõ rệt khi Việt Nam được xếp vào nước có thu nhập trung bình.
Khoảng cách phát triển giữa Việt Nam và các nước phát triển ngày càng gia tăng do sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong khi đó, Việt Nam còn đứng trước nguy cơ sập bẫy thu nhập trung bình đang được giăng ra.
Vượt qua khó khăn bằng cách nào là một câu hỏi không dễ. Nhưng lịch sử đã chứng minh, ở những thời khắc cam go, thử thách, người dân Việt Nam luôn có ý chí, tinh thần mãnh liệt, triệu người như một, để cùng nhau vượt qua. Điều quan trọng là khơi dậy được tinh thần dân tộc ấy.
Đại hội Đảng XII đã thổi một luồng gió tươi mới trong đường hướng lãnh đạo đất nước với tinh thần đổi mới tư duy, quyết tâm khắc phục hạn chế, yếu kém bằng những giải pháp quyết liệt, thậm chí đớn đau. Nghị quyết Đại hội Đảng XII đã chỉ rõ các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện, trong đó sẽ tiếp tục cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời, khẳng định chủ trương nhất quán xây dựng và vận hành một nền kinh tế thị trường đầy đủ, đặt doanh nghiệp, doanh nhân vào vị trí trọng tâm, là động lực của đổi mới, sáng tạo và phát triển.
Người dân cũng đã cảm nhận được một Chính phủ kiến tạo, hành động, liêm chính hay nói cách khác là một nền hành chính phục vụ, vì người dân. Ngay trong những ngày đầu nhiệm kỳ, người đứng đầu Chính phủ đã thể hiện quyết tâm chấn chỉnh và thay đổi thái độ ứng xử với người dân của hệ thống công quyền; tháo gỡ các rào cản đầu tư, kinh doanh nhằm thực hiện quyền Hiến định về tự do kinh doanh; siết chặt kỷ cương, kỷ luật đầu tư, tài chính… bằng thái độ dứt khoát, hành động quyết liệt.
Sẽ còn phải cần thêm thời gian để những thông điệp, quyết tâm chính trị chuyển hóa mạnh mẽ vào thực tiễn cuộc sống. Song không gì khác hơn, khi mà “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Mọi công việc đều vì dân mà làm” thì lòng tin vào Đảng, vào chế độ sẽ được bồi đắp, sức mạnh dân tộc sẽ được nhân lên bội phần.
Sau hơn 3 thập kỷ đổi mới, có thể nói năm 2017 là một trong những thời điểm khó khăn nhất của nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh đó, đất nước lại phải đi nhanh hơn, dự kiến GDP tăng 6,7% để có thể hoàn thành chỉ tiêu GDP bình quân đạt 6,5 - 7%/năm giai đoạn 2016 - 2020, khi mà GDP năm 2016 chỉ đạt 6,21%.
Nhưng bằng tinh thần dân tộc, với tinh thần dân tộc, nhân dân Việt Nam sẽ đồng lòng, chung sức thực hiện mục tiêu đã đề ra cho năm 2017 và giai đoạn 2016 - 2020. Xa hơn nữa, là hiện thực hóa khát vọng xây dựng một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng, dân chủ đã được các chuyên gia hàng đầu Việt Nam và quốc tế chỉ ra trong Báo cáo Việt Nam 2035.
Chào Xuân Đinh Dậu, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào tương lai tươi sáng của đất nước.