Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU: Sẵn sàng cho cơ hội mới

Ngày 14/9, hội thảo với chủ đề “Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA): Cơ hội mới” dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam, Trưởng đoàn đàm phán EVFTA của Việt Nam Trần Quốc Khánh và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thương mại Ủy ban châu Âu, Trưởng đoàn đàm phán EVFTA của EU Mauro Petriccinone, đã diễn ra tại Brussels với tham gia của hơn 120 đại biểu đến từ các tổ chức xã hội, hiệp hội ngành nghề kinh doanh và các doanh nghiệp lớn của châu Âu. 
Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu. (Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN)
Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu. (Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN)

Đại sứ Việt Nam tại Bỉ và Luxembourg, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu (EU) Vương Thừa Phong và Đại sứ EU tại Việt Nam, ông Bruno Angelet cùng tham dự và phát biểu tại Hội thảo. 

Hội thảo do Phái đoàn Việt Nam bên cạnh EU phối hợp với Phái đoàn thường trực của Bỉ tại EU, Tổ chức Kinh doanh châu Âu, Cơ quan Xúc tiến Đầu tư và Thương mại vùng Wallonie, Cơ quan Đầu tư và thương mại Flanders (Phơ-lăng-đơ), Cơ quan Đầu tư và Xuất khẩu Brussels và Liên minh hữu nghị Bỉ-Việt tổ chức. 

Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Vương Thừa Phong khẳng định EVFTA là một thỏa thuận toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo lợi ích cân bằng cho cả Việt Nam và EU. Khi thực hiện, EVFTA sẽ tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư của cả hai phía. 

Tuy nhiên, EVFTA không chỉ mang đến lợi ích mà còn cả những thách thức cho các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam. 

Trưởng đoàn đàm phán EVFTA của Việt Nam Trần Quốc Khánh nhấn mạnh thông điệp quan trọng nhất mà Việt Nam đưa ra trong hội thảo này: Việt Nam là một đất nước đổi mới và đã đưa ra các cam kết của mình trong một hiệp định thương mại tự do toàn diện có chất lượng cao. 

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng muốn gửi một thông điệp đến các nhà đầu tư Bỉ và EU, là chính sách nhất quán kiên trì đường lối đổi mới kinh tế, kiên trì cải cách thủ tục hành chính ở trong nước và đang làm hết sức để trở thành một địa chỉ ngày càng hấp dẫn hơn đối với đầu tư nước ngoài, nhưng không vì phát triển kinh tế mà hy sinh các quyền cơ bản của người lao động cũng như hy sinh các tiêu chuẩn về môi trường. 

Đại diện cho phía EU, ông Mauro Petriccinone cho biết hội thảo lần này là cơ hội để giải thích cho công dân EU hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của EVFTA đối với EU cũng như Việt Nam và tại sao Việt Nam lại là một đối tác quan trọng đối với EU. 

Ngoài ra, hội thảo này còn nhằm mục đích mở rộng hơn nữa sự hiểu biết của người dân và các doanh nghiệp EU về EVFTA. 

Hội thảo này nằm trong khuôn khổ phiên rà soát pháp lý lần 2 toàn bộ nội dung văn kiện EVFTA để đảm bảo lời văn thể hiện đúng tinh thần mà hai bên đã thể hiện trong đàm phán. Hai trưởng đoàn đàm phán đều thống nhất không có rào cản nào trong việc rà soát pháp lý. 

Từ nay đến cuối năm, hai bên dự kiến có 1 đến 2 phiên rà soát pháp lý nữa với mục tiêu hoàn thành rà soát trước cuối năm nay, sau đó sẽ dịch thuật sang các thứ tiếng của EU và tiếng Việt. Sau khi việc dịch thuật hoàn thành, lễ ký kết chính thức sẽ được tổ chức. 

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã trao đổi, đánh giá và đưa ra các kiến nghị, đề xuất triển khai công tác phối hợp thực thi EVFTA sao cho đạt hiệu quả mang lại lợi ích cao nhất cho tất cả các bên tham gia. 

Ngay khi EVFTA có hiệu lực, phía EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế và sau 7 năm sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99% số dòng thuế đối với các hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Đối với các hàng hóa còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. 

Phía Việt Nam sẽ xóa 65% dòng thuế cho hàng hóa EU ngay khi EVFTA có hiệu lực. Trong vòng 10 năm, khoảng 99,8% kim ngạch hàng hóa của EU xuất khẩu sang Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất 0%, còn lại sẽ áp dụng hạn ngạch thuế quan với mức thuế trong hạn ngạch là 0%. 

Ngoài ra Việt Nam còn giành nhiều ưu đãi trong lĩnh vực dịch vụ mà EU quan tâm như bảo hiểm, ngân hàng, phân phối và cam kết bước đầu mở cửa thị trường mua sắm của các cơ quan chính phủ đối với doanh nghiệp EU./.