TPP sẽ được ký kết chính thức vào ngày 4/2/2016 |
Thông tin trên được Đoàn đàm phán Chính phủ về Kinh tế và Thương mại Quốc tế vừa đưa ra.
Theo thống nhất của các nhà Lãnh đạo các nước thành viên Hiệp định TPP, Lễ ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương sẽ được diễn ra vào ngày thứ Năm, tức là ngày 4/2/2016 tại Auckland, New Zealand.
Trước đó, trong bức thư ngỏ ngày 26/1, Bộ trưởng Thương mại quốc tế Canada Chrystia Freeland chia sẻ: "Nhiều người Canada không hiểu hết ý nghĩa của việc ký kết TPP và vẫn còn đưa ra nhiều câu hỏi. Tuy nhiên, việc ký kết vào tuần tới là rất quan trọng nhằm khẳng định Canada là một đối tác đầy đủ, tiềm năng trong Hiệp định này".
Hiệp định TPP gồm 12 nước tham gia như: Mỹ, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam sẽ bắt đầu quá trình hợp thức hoá trong nước và mất 2 năm để thoả thuận có hiệu lực.
Hiệp định TPP có nguồn gốc từ Hiệp định hợp tác Kinh tế chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement – còn gọi là P4) - một Hiệp định thương mại tự do được ký kết ngày 3/6/2005, có hiệu lực từ 28/5/2006 giữa 4 nước Singapore, Chile, New Zealand, Brunei.
Năm 2007, các nước thành viên quyết định mở rộng phạm vi đàm phán của Hiệp định này ra các vấn đề dịch vụ tài chính, đầu tư và trao đổi với Hoa Kỳ về khả năng nước này tham gia. Tháng 9/2008, Hoa Kỳ chính thức tham gia và sau đó 2 tháng các nước Australia, Peru và Việt Nam cũng bày tỏ sự quan tâm và tham gia đàm phán TPP, nâng tổng số thành viên tham gia lên 8 nước.
Việt Nam chính thức tuyên bố tham gia TPP vào ngày 13/11/2010 với tư cách thành viên đầy đủ, các nước khác quyết định tham gia chính thức ngay từ đầu. Cũng từ thời điểm này, Hiệp định chính thức có tên là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Vòng đàm phán TPP đầu tiên được tiến hành tại Melbourn - Úc vào tháng 3/2010 và kéo dài đến cuối năm 2015 sau nhiều vòng đàm phán căng thẳng giữa các bên. Trong đó có 19 phiên đàm phán chính thức, 5 phiên cấp Bộ trưởng và nội dung đàm phán gồm 30 chương. Đến thời điểm kết thúc đàm phán, tổng số nước tham gia TPP đã nâng lên thành 12 thành viên.
Việc tham gia đàm phán và ký kết TPP đã mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam khi tham gia vào sân chơi toàn cầu khi TPP chiếm tới 40% kinh tế toàn cầu và bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, TPP lại được coi là hiệp định thương mại toàn diện, nhắm đến việc thiết lập bộ quy tắc thương mại tiêu chuẩn cao, nên sẽ đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam trong vấn đề như cải cách thể chế, sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp Nhà nước và cạnh tranh với doanh nghiệp tư nhân...