Để tham gia đấu thầu qua mạng, các nhà thầu phải đăng ký và được cấp tài khoản (chứng thư số) tham gia Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Ảnh: Lê Tiên |
Loạt nhà thầu bị từ chối trả lời kiến nghị
Từ ngày 13 - 20/6/2024, một số nhà thầu tham dự Gói thầu Thi công xây dựng thuộc Dự án Nâng cấp, mở rộng BTXM đường Bình Mỹ 66, Bình Mỹ 71 liên tiếp có văn bản kiến nghị bày tỏ bức xúc về việc Chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) cố tình “phớt lờ” kiến nghị của nhà thầu.
Kiến nghị đã chỉ rõ, hồ sơ mời thầu (HSMT) đưa ra một số yêu cầu có thể gây hạn chế nhà thầu, cần được sửa đổi nhằm tạo cơ hội cho các nhà thầu tham dự. Đơn cử, đây là công trình cấp IV có quy mô nhỏ nhưng HSMT yêu cầu kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự không phải là công trình theo pháp luật xây dựng; HSMT yêu cầu quá nhiều loại xe máy (gần 20 loại) như: máy đào dung tích gàu ≥ 0,8 m3; máy đào dung tích gàu ≥ 1,25 m3; máy ép thủy lực, lực ép ≥ 130 T; máy lu rung tự hành, lực rung ≥ 25 T; máy lu rung tự hành, trọng lượng ≥ 16 T….
Ngày 19 và 20/6/2024, Chủ đầu tư có văn bản trả lời kiến nghị của nhà thầu, trong đó nhấn mạnh, kiến nghị của các nhà thầu không hợp lệ do không có chữ ký, đóng dấu của người đại diện pháp luật nên Ban không có cơ sở trả lời hoặc giải quyết. Chủ đầu tư dẫn Điều 90 và Điều 91 Luật Đấu thầu năm 2023 và cho rằng, nhà thầu gửi đơn kiến nghị ẩn danh.
Tương tự, Gói thầu Mua sắm trang thiết bị phục vụ đào tạo nghề và hoạt động chung năm 2024 do Trường Trung cấp nghề Nấu ăn - Nghiệp vụ du lịch và Thời trang Hà Nội mời thầu mới đây cũng nhận được 2 đơn kiến nghị cho rằng, HSMT có dấu hiệu hạn chế cạnh tranh, đưa ra một số yêu cầu hướng tới một hoặc một số nhà thầu. Chủ đầu tư xác nhận có 2 kiến nghị, nhưng cho biết, kiến nghị của các nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia không hợp lệ vì không có chữ ký, đóng dấu của đại diện hợp pháp nên không đủ điều kiện xem xét, xử lý.
Nhiều kiến nghị tại một số gói thầu khác như Gói thầu số 09 Trang thiết bị thuộc Dự án Trường Mẫu giáo Tân Mỹ (điểm chính) do Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) mời thầu… cũng bị các chủ đầu tư từ chối trả lời do kiến nghị không có danh, không tuân thủ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 90 Luật Đấu thầu.
Văn bản gửi, nhận trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia là văn bản đã được ký số
Theo ghi nhận của Báo Đấu thầu, các luật sư, chuyên gia chưa có cái nhìn thống nhất về trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc trả lời các kiến nghị của nhà thầu được gửi thông qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, nhất là các kiến nghị không có chữ ký số.
Luật sư Trương Anh Tú, Công ty Luật TAT Law Firm cho rằng, nhà thầu có quyền gửi kiến nghị, nhưng kiến nghị bắt buộc phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện tại Điều 90 Luật Đấu thầu 2023 (đơn kiến nghị phải có chữ ký, đóng dấu (nếu có) của người đại diện hợp pháp của nhà thầu, nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức gửi đơn hoặc được ký số, gửi trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia). Quy định này nhằm đảm bảo tính chính danh của người kiến nghị, tránh trường hợp người không liên quan, không có tư cách kiến nghị tràn lan, gây ảnh hưởng đến quá trình đấu thầu.
Theo luật sư Trương Anh Tú, với các kiến nghị không được ký tên, đóng dấu, ký số thì chủ đầu tư có quyền không xem xét, trả lời kiến nghị. Trường hợp đơn kiến nghị không được ký tên, đóng dấu nhưng đã được ký số và gửi trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia thì chủ đầu tư có trách nhiệm xem xét, giải quyết.
“Luật quy định đơn kiến nghị phải được ký số chính là để bảo vệ doanh nghiệp, đảm bảo người có thẩm quyền biết và chịu trách nhiệm về nội dung văn bản, tránh trường hợp có người sử dụng tài khoản doanh nghiệp nhưng không có thẩm quyền gửi văn bản, gây nhầm lẫn và phát sinh tranh chấp”, ông Tú nói.
Luật sư Nguyễn Hồng Chung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư DVL Ventures phân tích, khoản 4 Điều 3 Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT nêu rõ, văn bản điện tử là văn bản, thông tin được gửi, nhận và lưu trữ thành công trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia bao gồm: thông tin về dự án, kế hoạch tổng thể về lựa chọn nhà thầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu; nội dung kiến nghị kết quả lựa chọn nhà thầu và những vấn đề liên quan đến quá trình lựa chọn nhà thầu qua mạng… “Do đó, việc nhà thầu sử dụng chứng thư số (có giá trị như chữ ký số) để gửi văn bản kiến nghị trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia là kiến nghị hợp lệ và chủ đầu tư phải có trách nhiệm giải quyết kiến nghị của nhà thầu”, ông Chung khẳng định.
Theo TS. Nguyễn Việt Hùng, chuyên gia đấu thầu, điểm b khoản 1 Điều 90 Luật Đấu thầu đã phân định rõ đơn kiến nghị đối với đấu thầu thông thường (bản giấy) và đấu thầu qua mạng. Để tham gia đấu thầu qua mạng, các nhà thầu phải đăng ký và được cấp tài khoản (chứng thư số) tham gia Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. “Vì thế, văn bản kiến nghị xuất phát từ tài khoản tham gia Hệ thống là văn bản điện tử, có danh. Văn bản kiến nghị điện tử như vậy hợp lệ vì đã sử dụng chữ ký số, có giá trị pháp lý giống như văn bản giấy có chữ ký tươi, đóng dấu đỏ”, TS. Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia, khi nhà thầu gửi văn bản kiến nghị tới chủ đầu tư thông qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia thì kiến nghị này đã được ký số (bằng chứng thư số) và hợp lệ. Điều 91 Luật Đấu thầu quy định, chủ đầu tư phải có trách nhiệm giải quyết kiến nghị gửi đến nhà thầu, cơ quan, tổ chức trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn kiến nghị của nhà thầu, cơ quan, tổ chức. Trường hợp nhà thầu, cơ quan, tổ chức không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị hoặc hết thời hạn quy định mà chủ đầu tư không có văn bản giải quyết thì nhà thầu, cơ quan, tổ chức có quyền gửi đơn kiến nghị lên người có thẩm quyền…