Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn. Ảnh: Lê Tiên |
Nhớ một thời hoa lửa
Trong dòng chảy lịch sử của đất nước, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia, dân tộc trên thế giới phải trải qua giai đoạn trường kỳ kháng chiến để giải phóng dân tộc. Trên dải đất hình chữ S, ở bất cứ địa phương nào, vùng miền nào cũng đều hiện hữu các địa danh gắn liền với những con người đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh vì Tổ quốc. Từ Trường Sơn đến Trường Sa, từ Truông Bồn (Đô Lương) đến Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc - Hà Tĩnh); từ Hang Hỏa Tiễn (Nghệ An) đến Hang Tám Cô (Quảng Bình), từ Nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang), Nghĩa trang Đồi A1 (Điện Biên), Nghĩa trang quốc tế Việt - Lào (Nghệ An) đến Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9 (Quảng Trị) đến Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo)... Biết bao người đã ngã xuống cho Đất nước được hồi sinh.
Trần Trung Hiếu, Trường Chuyên Phan Bội Châu - Nghệ An |
Tết đến, Xuân về mang đến không khí tươi mới, ấm áp, an lành cho mọi gia đình. Tuy nhiên, rất nhiều gia đình trong dân tộc Việt Nam đã không có được hạnh phúc vẹn nguyên, đủ đầy bởi nhiều người ruột thịt đã mãi mãi nằm xuống nơi chiến trường họ đã chiến đấu và hy sinh. Không chỉ gia đình tưởng nhớ, mà mỗi người con Việt Nam được sinh ra và thụ hưởng cuộc sống an lành hôm nay cũng cần bày tỏ lòng tri ân, biết ơn những thế hệ cha anh đã xả thân trong chiến tranh, để đổi lấy hòa bình.
Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước và các tổ chức đoàn thể có nhiều chủ trương, chính sách đãi ngộ, đền ơn, đáp nghĩa với gia đình thương binh, liệt sỹ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng. Đó là đạo lý của dân tộc xuất phát từ truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Những ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn như 27/7, 22/12, Rằm tháng Bảy..., rất nhiều đoàn lãnh đạo các cấp, các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong trên mọi miền đất nước thường hành hương về những miền đất lửa, thăm lại chiến trường xưa, dâng hương hoa tưởng nhớ đồng đội - những người anh hùng làm nên một dân tộc anh hùng. Đó là một nét đẹp trong văn hóa tri ân của người Việt.
Nhắc đến câu chuyện tri ân, tôi lại muốn kể về bộ phim gắn liền với bài hát cùng tên của Nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn - Bài ca không quên. Là một giáo viên Sử, tôi có nhiều lần được gặp gỡ, chuyện trò với người nhạc sỹ đặc biệt này. Cuối năm 2019, trong một lần công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh, tôi được nhạc sỹ mời đến nhà riêng của ông ở Thủ Đức. Tôi và ông đã trò chuyện với nhau không chỉ như một giáo viên Sử với một nhạc sỹ, mà là sự kết nối, sẻ chia giữa 2 thế hệ từ một nhân duyên: người dạy Sử với người chép Sử bằng những nốt nhạc, lời ca.
Ở cái tuổi gần 80, Nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn không nguôi nhớ về những khoảnh khắc đau thương, những thời kỳ oanh liệt của hàng triệu người con đã chiến đấu và hy sinh cho Tổ quốc, trong đó có nỗi đau riêng của gia đình ông.
Khi nhắc đến hoàn cảnh ra đời của ca khúc “Bài ca không quên”, ông tâm sự: “Trong bài hát, có một phần nỗi đau riêng của gia đình tôi, nỗi đau xé lòng khi tôi mất đi đứa con gái mới 6 tháng tuổi và nỗi đau âm thầm, dai dẳng của bà xã Hồng Cúc”.
Ông sẻ chia: “Năm 1964, con gái đầu của tôi chào đời. Cả hai vợ chồng cùng hoạt động bí mật trong rừng nên phải nuôi con trong điều kiện chiến tranh vô cùng vất vả, khó khăn. Một hôm, tôi đang đi công tác ở Bến Tre, vợ tôi dẫn đoàn cán bộ 18 đồng chí đi qua đoạn có địch phục kích ở vùng giáp ranh Tây Ninh. Sợ con khóc sẽ bị lộ, địch có thể phát hiện ra đoàn của mình, vợ tôi đành chọn cách cho con bú và áp thật sâu con vào bầu ngực.
Nào ngờ, khi trận càn của địch đã đi qua thì vợ ông phát hiện con gái đã bị ngạt thở. Cháu đã ra đi... Còn gì đau hơn nữa khi mất con rồi lại phải để lại một mình tấm thân bé bỏng mới 6 tháng tuổi giữa rừng sâu trong đạn bom”, ông nghẹn ngào.
“Bài ca không quên” ông viết cho tất cả sự hy sinh của những người con anh dũng vì Tổ quốc. Từng lời hát “lời mẹ ru con đêm đêm”, “rừng lạnh sương đêm trăng suông”, “tháng ngày vất vả” ở những nơi “đất rừng xứ lạ”, “những mùa nước đổ”, để “gót mòn hành quân hối hả”, “em chống xuồng vượt qua pháo nổ”, “bước đường hành quân đói lả”… là cảm xúc về “những người đã ngã” của những người “ôm súng giữ biên cương”...
Rất nhiều câu chuyện chiến tranh mà chỉ nghe kể lại thôi, chúng ta cũng đáng cúi đầu để soi mình trong đó, để hiểu và trân quý giá trị của hòa bình.
Văn hóa tri ân
Từ khi có hòa bình dân tộc, Tết luôn trở thành dịp đoàn viên ý nghĩa nhất, ấm áp nhất cho mọi gia đình. Tết là quãng thời gian để anh em, con cháu trong mỗi gia đình sum vầy với ông bà, cha mẹ sau một năm tất bật làm ăn, xa nhà, xa quê, xa Tổ quốc. Mỗi người một việc, cùng sắm sửa, trang hoàng cho ngôi nhà vui đón Tết. Không khí vui tươi, phấn khởi tràn đến với mọi gia đình, mỗi người thêm yêu thương hơn, thêm bao dung hơn trong sự tươi mới của Đất, Trời, của vẻ đẹp ấm lòng người - văn hóa Tết.
Không có quá khứ thì cũng không có hiện tại và tương lai. Biết tôn trọng, trân trọng, nâng niu, gìn giữ kết nối với Tổ tiên, kết nối với lịch sử hào hùng của Đất nước, chúng ta sẽ biết yêu hơn cuộc sống này. Nét đẹp văn hóa tri ân được thấu hiểu và lan tỏa sẽ góp phần vô cùng quan trọng để mỗi người sống có trách nhiệm hơn với chính mình, với gia đình, với xã hội.
Tết là khoảng thời gian đặc biệt để nghỉ ngơi, để tìm về nguồn cội, thưởng lãm vẻ đẹp Đất, Trời và cầu mong một năm mới an lành đến với tất cả. Đây là khoảng thời gian tạo cơ duyên cho chúng ta xích lại gần nhau, chia sẻ ngọt bùi cuộc sống, bày tỏ tấm lòng biết ơn Tiên tổ cùng những giá trị lịch sử đã làm nên hồn cốt của người Việt, dân tộc Việt. Văn hóa tri ân được thể hiện trong suy nghĩ, thái độ, hành xử của mỗi con người cũng chính là sự cụ thể hóa một cách sinh động quan điểm của Đảng ta là “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”./.