Hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó điều tra phòng vệ thương mại

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở cao và ngày càng hội nhập sâu hơn vào kinh tế quốc tế. Vượt qua giai đoạn khó khăn vì thiếu đơn hàng, nhiều ngành sản xuất và xuất khẩu (XK) của Việt Nam đang hồi phục mạnh mẽ. Một số chuyên gia dự báo, kim ngạch XK năm 2024 có thể đạt kỷ lục mới, nhưng hàng hóa Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại (PVTM).
Thép là một trong những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đối diện với nhiều vụ điều tra phòng vệ thương mại. Ảnh: Tuấn Anh
Thép là một trong những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đối diện với nhiều vụ điều tra phòng vệ thương mại. Ảnh: Tuấn Anh

Liên tiếp các vụ điều tra phòng vệ thương mại

Thông tin tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với chủ đề: “Khuyến nghị liên quan đến điều tra chống trợ cấp đối với hàng XK của Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 30/9, ông Đinh Quốc Thái, Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, thép là một trong những mặt hàng XK của Việt Nam phải đối diện với nhiều vụ điều tra PVTM, trong đó có điều tra chống trợ cấp.

Theo ông Thái, kể từ vụ việc đầu tiên năm 2004 đến tháng 8/2024, có 78 vụ việc điều tra PVTM liên quan đến ngành thép, chiếm khoảng trên 30% vụ việc điều tra PVTM đối với hàng Việt Nam XK. Trong đó, bị điều tra chống bán phá giá 45 vụ; điều tra các biện pháp tự vệ 13 vụ… Về quốc gia áp dụng điều tra PVTM, Mỹ áp dụng các biện pháp này nhiều nhất (18 vụ), tiếp theo là Malaysia (9 vụ), Canada (8 vụ), Thái Lan (7 vụ)…

“Chỉ trong tháng 8 và tháng 9/2024, đã phát sinh thêm 3 vụ điều tra PVTM liên quan đến ngành thép. Cụ thể, ngày 8/8, Liên minh châu Âu ra thông báo điều tra đối với sản phẩm thép cán nóng nhập khẩu từ một số thị trường, trong đó có Việt Nam. Ngày 14/8 Ấn Độ đã khởi kiện chống bán phá giá đối với thép cuộn cán nóng nhập khẩu từ một số thị trường, bao gồm Việt Nam. Gần đây, Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá với sản phẩm thép chống ăn mòn nhập khẩu từ Việt Nam”, ông Thái thông tin.

Ông Nguyễn Minh Kế, Chủ tịch Hiệp hội Nhôm thanh định hình Việt Nam cũng cho hay, trước xu hướng hội nhập đa phương, nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp bảo hộ sản xuất. Do đó, ngành nhôm liên tiếp phải đối mặt với các cuộc điều tra PVTM, nhất là tại thị trường Mỹ.

Ông Kế chia sẻ, Trung Quốc là quốc gia sản xuất nhôm lớn nhất thế giới, chiếm tới 60% tổng sản lượng nhôm toàn cầu. Việc nhiều quốc gia đưa ra các biện pháp để hạn chế cạnh tranh đối với nhôm Trung Quốc cũng tác động bất lợi tới hoạt động sản xuất và XK của doanh nghiệp (DN) nhôm trong nước. Ở thị trường trong nước, nhôm XK giá rẻ của Trung Quốc cũng ồ ạt tràn sang gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của của DN nội địa.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Công nghiệp Miền Nam cho biết, hiện có một số sản phẩm lốp xe ô tô của Việt Nam XK sang thị trường Mỹ bị áp thuế chống trợ cấp với mức 6,46%. Trong khi đó, đây là mặt hàng XK chiếm doanh thu lớn của Công ty…

Tại Hội nghị, đại diện một số thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nhấn mạnh, gần đây, một số thị trường XK lớn khác của Việt Nam như: Ấn Độ, Australia… cũng áp dụng hoặc tái áp dụng biện pháp PVTM với hàng Việt. Phạm vi sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng, không chỉ giới hạn ở các mặt hàng có kim ngạch XK lớn, mà còn mở rộng với những sản phẩm có giá trị và lượng XK trung bình và nhỏ như: máy cắt cỏ, mật ong, đĩa giấy…

Hiến kế hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu hiệu quả, bền vững

Từ những kết quả tích cực trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong 8 tháng đầu năm 2024, cùng với đó là đà phục hồi của các thị trường XK chủ lực, nhiều mặt hàng đạt kim ngạch XK cao, Tổng cục Thống kê nhận định, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm nay có thể lập kỷ lục mới 800 tỷ USD, trong đó, XK đạt gần 400 tỷ USD.

Tại Hội nghị, đại diện Cục PVTM thuộc Bộ Công Thương đề nghị các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục đồng hành nhiều hơn nữa trong hoạt động hỗ trợ DN bảo vệ quyền lợi chính đáng như: hỗ trợ cung cấp thông tin về các vụ việc; cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra PVTM; các DN, hiệp hội DN XK cũng tìm hiểu kỹ các quy định của nước nhập khẩu để nắm được những gì được làm và không được làm để XK hiệu quả…

Chia sẻ kinh nghiệm của VSA, ông Đinh Quốc Thái cho hay, với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương (Cục PVTM), thời gian qua, các DN thép cũng như Hiệp hội đã từng bước chuyên nghiệp hóa, đáp ứng được yêu cầu của cơ quan điều tra các nước nhờ sự chuẩn bị kỹ càng trong việc ứng phó, xử lý các vụ việc. Theo đó, nhiều vụ việc đã đạt được kết quả đáng ghi nhận như: EU không áp dụng PVTM với sản phẩm ống thép Việt Nam, nguyên đơn rút đơn; Australia kết luận DN thép Việt Nam không bán phá giá với mặt hàng thép dây dạng cuộn… “DN và các hiệp hội DN cần tìm hiểu thông tin liên quan đến các quy định pháp luật của các nước điều tra, từ đó, hiểu được quy trình của các nước điều tra để có giải pháp ứng phó thích hợp với từng vụ việc”, ông Thái gợi ý.

Đại diện VSA bổ sung thêm, kết quả kháng kiện phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan liên quan, trong đó, vai trò của cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài là rất quan trọng. Vì thế, thời gian tới, việc phối hợp giữa các bên trong quá trình này cần thực hiện tốt hơn nữa để hỗ trợ hiệu quả cho DN, giúp DN tranh thủ thời gian và có giải pháp kháng kiện phù hợp.

Trong bối cảnh các vụ việc PVTM ngày càng gia tăng, nhu cầu giải quyết tranh chấp cũng tăng lên, tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu đang được đưa ra lấy ý kiến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bổ sung gói thầu lựa chọn luật sư cung cấp các dịch vụ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước Việt Nam, cơ quan nhà nước Việt Nam tại cơ quan quan điều tra áp dụng các biện pháp PVTM nước ngoài được lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt.

Tin cùng chuyên mục