Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Lê Tiên |
Tham dự Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng đại diện các bộ, ngành Trung ương, địa phương và các hợp tác xã (HTX) và các chuyên gia quốc tế.
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Chí Dũng đã nhìn nhận những kết quả đạt được cũng như chỉ ra các hạn chế, tồn tại và cùng các nguyên nhân, từ đó kiến nghị các giải pháp trọng tâm để mô hình KTTT, HTX tiếp tục bứt phá và phát triển trong thời gian tới. Mặc dù khu vực KTTT, HTX đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức và có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng nhưng đóng góp của khu vực HTX vào GDP của cả nước còn khiêm tốn và có xu hướng giảm, trung bình đạt khoảng 4%. Tuy nhiên, đóng góp thông qua kênh gián tiếp, tác động tới kinh tế hộ thành viên là khá tích cực, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình đạt 30% GDP cả nước.
Tại Hội nghị, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã thảo luận các nguyên nhân và đưa ra nhiều giải pháp khuyến nghị để mô hình HTX kiểu mới có sự lột xác về mặt tư duy, phát triển trong cơ chế thị trường một cách bền vững.
Theo ông Harm Haverkort, Giám đốc Agriterra (Tổ chức Phát triển Hà Lan) tại Việt Nam, phần quản trị hợp tác xã và kinh doanh là tách biệt. Ông Harm Haverkort đã trao đổi về kinh nghiệm của Hà Lan, quốc gia có 146 năm phát triển HTX. Agriterra là tổ chức chuyên hỗ trợ phát triển HTX ở Hà Lan. Hiện Agriterra đã có mặt tại hơn 20 quốc gia trên thế giới và hỗ trợ hơn 660.000 nông dân với hơn 250 HTX. Hiện Hà Lan có 2.500 HTX đang hoạt động, đóng góp 18% GDP. Hà Lan có 30 triệu thành viên HTX trong khi dân số chỉ có 17 triệu người. Trong quá trình phối hợp triển khai hỗ trợ phát triển các HTX tại Việt Nam, Agriterra nhận thấy 5 điểm yếu còn tồn tại ở các HTX đó là: Lòng tin của các thành viên với HTX; các HTX gặp khó khăn trong việc kết nối đầu ra cho sản phẩm; quản trị kinh doanh còn nhiều hạn chế; khó tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ; đa số thành viên quản trị HTX đã lớn tuổi, khó tiếp cận công nghệ thông tin trong thời đại công nghiệp 4.0. Và để phát triển bền vững mô hình HTX trong bối cảnh mới, Việt Nam cần phải cần xây dựng và vận hành hoạt động HTX dựa trên các yếu tố là: lòng tin, tài chính, quản trị kinh doanh, thị trường.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng giao cho các thành viên của Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển KTTT, HTX xác định rõ từng vấn đề cụ thể, xác định hướng sửa, thời hạn sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật để trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định. “Các chính sách chưa đi vào cuộc sống vì chưa tiệm cận được với cơ chế thị trường. Không để có việc lập ra HTX để chờ đợi chính sách ưu đãi của Nhà nước mà không chủ động vươn lên. Nhà nước sẽ hỗ trợ nhưng theo các nguyên lý của thị trường”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Phát tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, phát triển KTTT có ý nghĩa sâu sắc về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và cả về an ninh trật tự. Nó tập hợp các nguồn lực nhỏ, sử dụng có hiệu quả để tạo thành nguồn lực lớn có sức mạnh giúp các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ có thể hợp tác, liên kết phát triển và cạnh tranh hiệu quả với các lực lượng kinh tế lớn. Nhờ đó, các xã viên, các hộ kinh tế nhỏ vững vàng hơn trước các biến động của thị trường, thiên tai và dịch bệnh, làm tiền đề cho các hộ cá thể liên kết sản xuất lớn, nâng cao năng lực và năng suất lao động. 8,6 triệu hộ nông dân, trên 10 triệu ha đất, hàng triệu mảnh ruộng, vậy mà không hợp tác thì làm sao chống chọi được trong nền kinh tế thị trường nhiều cạnh tranh.