Hóa giải “nỗi sợ” của nhà đầu tư dự án PPP

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Vấn đề nhiều nhà đầu tư lo lắng nhất khi tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là khu vực công - một bên trong hợp đồng dự án không thực hiện đầy đủ cam kết của mình, nhất là nghĩa vụ về tài chính. Luật PPP đưa ra nhiều cơ chế tốt, chia sẻ rủi ro hài hòa, nhưng nhà đầu tư vẫn chưa thực sự có niềm tin vì đang thiếu những quy định để hiện thực hóa cơ chế chia sẻ rủi ro, cũng như những cam kết của khu vực công trong hợp đồng.
Nhà đầu tư tỏ ra dè dặt với các dự án PPP do thiếu những quy định để hiện thực hóa cơ chế chia sẻ rủi ro và những cam kết của khu vực công trong hợp đồng. Ảnh: Lê Tiên
Nhà đầu tư tỏ ra dè dặt với các dự án PPP do thiếu những quy định để hiện thực hóa cơ chế chia sẻ rủi ro và những cam kết của khu vực công trong hợp đồng. Ảnh: Lê Tiên

Lan tỏa tâm lý “ngại”

“Thời điểm hiện nay, có thể nói tư nhân rất ngại đầu tư, ngân hàng ngại xuống tiền, quan chức ngại ký…”, ông Phạm Duy Nghĩa, Chuyên gia tư vấn ADB, Đại học Fulbright Việt Nam nhận định khi nói về đầu tư vào dự án PPP.

Có nhiều nguyên nhân của sự “ngại” này. Đó là khó khăn dự án PPP cũ chưa được tháo gỡ, dòng vốn ách tắc, niềm tin suy giảm, thị trường tín dụng cho các dự án mới ngày càng hạn chế do nợ xấu của các doanh nghiệp dự án BOT giao thông; thị trường vốn khác chưa phát triển. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư công chưa phát huy được vai trò dẫn dắt, làm “vốn mồi” để thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân. Và theo nhiều ý kiến, nỗi sợ lớn nhất của nhà đầu tư là không có sự chắc chắn về việc cơ quan quản lý nhà nước có thực hiện đúng cam kết, nghĩa vụ tài chính của mình đối với dự án hay không?

Theo ông Phạm Duy Nghĩa, điều then chốt để thu hút nhà đầu tư là Nhà nước phải hiểu doanh nghiệp, rủi ro của doanh nghiệp và cùng chia sẻ rủi ro. Nếu rủi ro xảy ra, Nhà nước phải có sẵn dòng tiền để trả.

Theo ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam thuộc Bộ Giao thông vận tải, theo Khoản 2 Điều 82 Luật PPP, khi doanh thu thực tế đạt thấp hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án PPP, Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP 50% phần chênh lệch giữa mức 75% doanh thu trong phương án tài chính và doanh thu thực tế. Tuy nhiên, việc chia sẻ phần giảm doanh thu chỉ được áp dụng khi đáp ứng các điều kiện mà không dễ chứng minh, ví dụ như quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi làm giảm doanh thu, hay "đã được Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán phần giảm doanh thu", trong khi Kiểm toán Nhà nước làm việc có kế hoạch và chỉ kiểm toán bất thường khi có vấn đề. Quan trọng hơn, để chứng minh được các điều kiện cần nhiều thời gian, trong khi việc chia sẻ rủi ro này cần thực hiện tức thời mới có thể bảo đảm phương án tài chính.

Bà Lê Thị Thùy Vân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, hiện nay khung pháp lý quản lý rủi ro tài khóa phát sinh từ hợp đồng PPP vẫn còn thiếu. Pháp luật về ngân sách nhà nước (NSNN), quản lý nợ công, kế toán hiện chưa có quy định quản lý rủi ro tài khóa phát sinh từ các hợp đồng dự án PPP. Bên cạnh đó, quy định phải thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối, bố trí nguồn dự phòng ở giai đoạn thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi là không khả thi, do không xác định được khả năng cân đối nguồn vốn trong tương lai tại thời điểm thẩm định báo cáo. Cũng theo bà Vân, tại Điều 10 Luật NSNN, dự phòng ngân sách được sử dụng để chi cho các nhiệm vụ cấp bách, chưa được dự toán nhằm đáp ứng kịp thời các nhu cầu chi trong các trường hợp quan trọng, khẩn cấp. Việc xử lý doanh thu giảm của dự án PPP không phải là nhiệm vụ cấp bách và được xác định trên cơ sở các quy định tại hợp đồng. Theo đó, quy định sử dụng dự phòng NSNN để thanh toán các khoản chi phí phát sinh khi áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu giảm trong các hợp đồng PPP là chưa phù hợp.

Một thực tế nữa là, nguồn dự phòng của địa phương rất thấp, phải ưu tiên chi cho các nhiệm vụ cấp bách. Một số địa phương không đồng ý bố trí việc chia sẻ sụt giảm doanh thu của dự án PPP do việc xử lý doanh thu giảm của dự án PPP không phải là nhiệm vụ cấp bách.

Kể từ khi Luật PPP có hiệu lực thi hành, 10 dự án mới đã được phê duyệt, 14 dự án đang triển khai các bước chuẩn bị đầu tư. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Kể từ khi Luật PPP có hiệu lực thi hành, 10 dự án mới đã được phê duyệt, 14 dự án đang triển khai các bước chuẩn bị đầu tư. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Nâng cao khả năng sẵn sàng chi trả của khu vực công

Theo bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kể từ khi Luật PPP có hiệu lực thi hành, đã có 10 dự án mới được phê duyệt, 14 dự án đang triển khai các bước chuẩn bị đầu tư, 139 dự án PPP được triển khai trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực thi hành vẫn đang tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký kết, ít bị ảnh hưởng bởi các quy định mới ban hành.

Để thúc đẩy mô hình PPP trong giai đoạn tới, bà Vũ Quỳnh Lê cho rằng, cần tạo hành lang pháp lý đồng bộ, nguồn lực Nhà nước phải mang tính dẫn dắt, bảo đảm nghĩa vụ của khu vực công trong hợp đồng PPP. Đồng thời, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thông qua giám sát, đánh giá, kiểm tra, tăng cường năng lực; tích cực truyền thông để đưa chính sách pháp luật về PPP vào cuộc sống.

Ổng Đỗ Ngọc An, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương kiến nghị cần xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công theo hướng ưu tiên bố trí vốn đầu tư công, tài sản công, chi thường xuyên để thanh toán dịch vụ cung cấp theo các loại hợp đồng PPP, tham gia các dự án PPP tiềm năng và hình thành dòng vốn riêng hoặc quỹ để thực hiện nghĩa vụ dự phòng của Nhà nước...

Bà Lê Thị Thùy Vân cho rằng, cần nghiên cứu, rà soát về các quy định liên quan quản lý rủi ro tài khóa (Luật NSNN, Luật Quản lý nợ công, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn luật), bổ sung quy định phù hợp để quản lý rủi ro phát sinh từ hợp đồng PPP. Bà Vân cũng đề nghị xem xét quy định về sử dụng dự phòng ngân sách để thanh toán cơ chế chia sẻ doanh thu với nhà đầu tư PPP.

Lo nhà đầu tư “được vạ thì má đã sưng” khi chia sẻ rủi ro giảm doanh thu, ông Lê Kim Thành kiến nghị lập quỹ đầu tư theo phương thức PPP để có cơ chế xử lý ngay rủi ro. Nguồn tài chính lấy từ thu phí đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư. "Chúng tôi đề nghị trích lại 20 - 30% để dành cho quỹ PPP, dự án kết cấu hạ tầng nói chung chứ không chỉ giao thông, Nhà nước chỉ thu lại 70 - 80%", ông Thành nói.

Một số ý kiến đề nghị Nhà nước chia sẻ doanh thu giảm cho nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án PPP ngay khi doanh thu thực tế giảm dưới 75% doanh thu quy định trong hợp đồng, chứ không phải thực hiện điều chỉnh giá, thời hạn hợp đồng như quy định tại Luật PPP. Đồng thời, bổ sung quy định trách nhiệm của Nhà nước khi không bố trí đủ nguồn vốn để thanh toán cho nhà đầu tư theo quy định; nghiên cứu cho phép sử dụng kiểm toán độc lập để kiểm toán giá trị đề nghị chia sẻ, thay cho Kiểm toán Nhà nước như quy định tại Luật.

Theo GS. Akash Deep, Đại học Harvard Kennedy, Luật PPP của Việt Nam là một bước quan trọng trong việc đẩy nhanh và mở rộng chương trình PPP đầy tham vọng.

Từ kinh nghiệm quốc tế, GS. Akash Deep cho rằng, hợp đồng PPP cần cụ thể về việc cơ quan chính phủ sẽ thực hiện các cam kết công về mặt hành chính, nguồn lực công sẽ hỗ trợ về mặt tài chính và các cơ chế sẽ thực hiện hợp đồng theo quy trình. Các khoản nợ dự phòng trong các dự án PPP khác nhau nên được tổng hợp lại thành một danh mục, được quản lý bởi một cơ quan trung ương được chỉ định, giúp cho các bảo lãnh của Nhà nước đáng tin cậy và dự án PPP có thể vay vốn được.