Hoàn thiện cơ chế để tăng hiệu quả đầu tư BT

(BĐT) - Đầu tư theo hình thức BT được xem là giải pháp vốn hóa đất công và tài sản công. Tuy nhiên, cơ chế đầu tư này đang tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, lợi ích nhóm, cần phải hoàn thiện theo hướng công khai, minh bạch, cạnh tranh để phát huy tác dụng trong thu hút nguồn lực cho phát triển.
Hoàn thiện cơ chế để tăng hiệu quả đầu tư BT

Nhập nhằng định giá

Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, vấn đề trung tâm của dự án BT là xác định đúng giá trị của cả công trình hạ tầng và tài sản công đem đổi. Tuy nhiên, trên thực tế có sự “nhập nhằng” trong khâu xác định này. Cụ thể, giá trị con đường được xây dựng do ai đánh giá chất lượng, do ai định giá, quyết toán, kiểm toán hay chỉ lấy theo giá trị khái toán trong dự án đầu tư? Tương tự, đất đai 2 bên đường đem đổi lấy con đường được tính theo giá đất nông nghiệp hay đất ở, đất ở đã có con đường hay chưa có con đường? Chính sự nhập nhằng này là nguyên nhân của các nguy cơ tham nhũng.

Tại các dự án BT, thay vì trả nhà đầu tư công trình hạ tầng bằng tiền thì Nhà nước trả bằng đất, tức là thay giao dịch tài sản thông qua tiền tệ bằng giao dịch dưới dạng “hàng đổi hàng”. GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, việc lấy quá nhiều đất để trả cho các nhà đầu tư dự án BT sẽ dẫn đến hậu quả mất cân đối trong quy hoạch sử dụng đất và phát triển đô thị.

Còn theo ông Phạm Quang Tú, chuyên gia của Oxfam tại Việt Nam, phương thức đầu tư BT có ưu điểm tạo khả năng phát triển nhanh hệ thống hạ tầng cả về kinh tế, xã hội, môi trường đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước mà Nhà nước không phải chi ngân sách. Tuy nhiên, nhược điểm của phương thức BT cũng không ít. Nhà nước cần giới hạn lại phạm vi áp dụng dự án BT, cụ thể là chỉ áp dụng hình thức đầu tư này tại các địa phương kém phát triển, nguồn thu ngân sách yếu kém mà ngân sách trung ương vẫn phải trợ giúp, hạ tầng chưa đủ để thu hút đầu tư. Còn tại những địa phương có hạ tầng phát triển tốt thì không thực hiện dự án BT, mà phải thực hiện cơ chế Nhà nước đấu giá đất để lấy tiền phát triển hạ tầng. 

Công khai, minh bạch để phát huy hiệu quả

Qua kiểm toán 21 dự án BT trên cả nước, năm 2017, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 3.800 tỷ đồng, tương đương 12,5% giá trị được kiểm toán. Tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra 15 dự án BT thì cả 15 dự án đều có vấn đề, trong số này, có tới 14 dự án được chỉ định thầu.
TS. Nguyễn Đình Hòa, Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán  thuộc Kiểm toán Nhà nước cho biết, không phải ngẫu nhiên mà trong vòng 5 năm trở lại đây, dự án BT trở thành cơn sốt thực sự trên khắp cả nước. Dự án BT không chỉ mang lại lợi ích cho địa phương, cho nhà đầu tư, mà còn mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng. Bên được lợi đầu tiên là chính quyền địa phương bởi sẽ giảm đi được một lượng chi phí lớn để đầu tư hạ tầng, công trình công cộng…; còn người dân được hưởng lợi từ các công trình hiện đại, khang trang… Nhà đầu tư nhận được một quỹ đất “sạch”, còn khách hàng khi mua các sản phẩm bất động sản của nhà đầu tư thì cũng được hưởng lợi bởi tính rõ ràng, chắc chắn về mặt pháp lý của khu đất…

Ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, nếu thực hiện đúng, dự án BT cũng là một phương thức hiệu quả thu hút vốn đầu tư tư nhân vào kết cấu hạ tầng, nhất là trong bối cảnh vốn ngân sách hạn hẹp, quỹ đất của địa phương còn dư, có thể khai thác.

Tuy nhiên, kết quả kiểm toán hàng chục dự án BT thời gian qua cho thấy, hình thức đầu tư này dễ bị bóp méo, biến tướng do thiếu công khai, minh bạch vì lợi ích nhóm, vì những khoản sinh lời vô cùng lớn từ cơ hội sở hữu những mảnh đất đắc địa hoặc có diện tích lớn của địa phương.

Khởi nguồn cho những bất cập này là do việc không xây dựng và công bố kế hoạch dự án, hoặc có nhưng chậm và công tác lựa chọn nhà đầu tư không cạnh tranh, hầu hết là chỉ định thầu. Điều này dẫn đến hệ quả là không phát huy tốt những nguồn lực xã hội, nhiều nhà đầu tư tại thời điểm được thẩm định, đánh giá và lựa chọn thực hiện dự án BT có năng lực tài chính hạn chế, không đảm bảo năng lực và thiếu kinh nghiệm quản lý. Trong quá trình thực hiện thì không đảm bảo tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện, phải gia hạn hợp đồng, làm tăng chi phí phát sinh đầu tư, không đảm bảo mục tiêu đề ra ban đầu.

Tin cùng chuyên mục