Ông Nguyễn Xuân Thành kỳ vọng, Nghị định sẽ tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất để triển khai có hiệu quả việc giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính Nhà nước. Ảnh VGP |
Ngày 16/8, tại Đà Nẵng, Văn phòng Chính phủ phối hợp cùng Tổ chức Oxfam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Nghị định về Cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và bà Babeth Ngọc Hân Lefur, Giám đốc Oxfam tại Việt Nam đồng chủ trì hội thảo, cùng với sự tham gia của đại diện UBND 11 tỉnh/thành phố khu vực miền Trung–Tây Nguyên; Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ); Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp)...
Suốt 15 năm qua, Cơ chế một cửa là một chủ trương nhất quán của Chính phủ với những quy định cụ thể và ngày càng được hoàn thiện. Đặc biệt, cải cách hành chính được Chính phủ xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2011-2020, là giải pháp quan trọng để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Việc thực hiện Cơ chế một cửa, một cửa liên thông được xem là giải pháp nâng cao trách nhiệm giải quyết công việc của các cơ quan hành chính Nhà nước thông qua việc đổi mới phương thức làm việc của các cấp chính quyền, tạo cơ sở cho quá trình thực hiện và tăng cường khả năng giám sát của nhân dân, tổ chức, cá nhân đối với việc thực thi công vụ.
Tuy nhiên, việc giải quyết TTHC vẫn còn nhiều tồn tại, thiếu thống nhất trong triển khai, làm giảm hiệu quả của Cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, chất lượng triển khai Cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở nhiều địa phương còn thấp, còn tình trạng quá hạn trong giải quyết hồ sơ, phiền nhiễu cho doanh nghiệp và người dân…
Nguyên nhân của tình trạng này là do sự phối hợp giữa các cơ quan còn hạn chế; chất lượng, chế độ cho công chức tại bộ phận một cửa còn chưa được quan tâm đúng mức; việc ứng dụng CNTT chưa hiệu quả, các hệ thống còn chồng chéo, không kết nối, chia sẻ thông tin được với nhau.
Dự thảo Nghị định mới có 7 chương với 44 điều. Trong đó, có nhiều điều mới, quy phạm hóa các phương thức giải quyết; nhấn mạnh việc lấy cá nhân, tổ chức làm trung tâm.
Phạm vi của Cơ chế một cửa, một cửa liên thông sẽ được mở rộng, từ đó, đồng nhất và hoàn thiện các TTHC xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương.
Nghị định mới cũng sẽ hoàn thiện mô hình tổ chức của các trung tâm hành chính tập trung, việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị cũng như quy định thêm, mở rộng hình thức tiếp nhận và trả kết quả qua bưu chính, điện tử.
Bản Dự thảo Nghị định đã đưa vào nhiều điểm mới và tiến bộ như: Nguyên tắc công khai minh bạch và giải trình, bảo đảm sự tham gia của người dân vào giám sát, đánh giá thực hiện TTHC theo cơ chế một cửa; đồng thời áp dụng hệ thống CNTT trong vận hành văn phòng một cửa điện tử.
Bà Babeth Ngọc Hân Lefur đánh giá, những điểm mới này là then chốt góp phần hiện thực hóa nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công. Nhiều yêu cầu của hệ thống TTHC minh bạch và hiệu quả chỉ có thể giải quyết được khi áp dụng CNTT trong hệ thống hành chính điện tử.
Bà nhấn mạnh, việc hoàn thiện hệ thống dịch vụ hành chính công minh bạch, thân thiện với người dân; tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí giao dịch; loại bỏ mọi chi phí không chính thức là hết sức cần thiết. Cần gắn liền hệ thống dịch vụ hành chính công với các cơ chế độc lập để người dân giám sát và phản hồi về chất lượng dịch vụ, đây là động lực mạnh mẽ giúp cải cách và hoàn thiện hệ thống dịch vụ hành chính công.
Còn theo ông Nguyễn Xuân Thành, Nghị định cần phải bảo đảm tính gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa cải cách hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử và kiểm soát TTHC, đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân và định hướng chuyển trọng tâm từ xây dựng sang hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế.
Nếu được hoàn thiện và ban hành, Nghị định sẽ tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất để triển khai có hiệu quả việc giải quyết TTHC theo Cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương.