Trong thông cáo ngày 25/6, EU nhận định EVFTA là thỏa thuận thương mại tự do "tham vọng nhất từ trước tới nay" mà EU từng ký với một quốc gia đang phát triển, trong đó sẽ xóa gần 99% thuế quan giữa EU và Việt Nam.
Trong giai đoạn đầu ngay khi có hiệu lực, EVFTA sẽ xóa 65% thuế nhập khẩu hàng EU xuất sang Việt Nam, trong khi phần còn lại sẽ được xóa trong giai đoạn 10 năm. Ngược lại, ở thời điểm đầu có hiệu lực, 71% thuế quan hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được gỡ bỏ, và giai đoạn tiến tới xóa phần còn lại là 7 năm tối đa.
"Tôi chào mừng quyết định ngày hôm nay của các nước thành viên EU. Sau Singapore, thỏa thuận với Việt Nam là việc ký kết thứ hai mà EU thực hiện với một quốc gia Đông Nam Á, và nó cũng cho thấy bước tiến mới cho việc gắn kết của châu Âu với khu vực...", Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker nói.
Trong khi đó, Cao ủy thương mại Malmstrom ca ngợi tiềm năng của Việt Nam, khẳng định Việt Nam là thị trường sôi nổi và đầy hứa hẹn với hơn 95 triệu khách hàng tiềm năng.
Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, EVFTA là hiệp định rất có ý nghĩa, có vai trò rất quan trọng trong chiến lược về hội nhập của Việt Nam. Đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những tiêu chuẩn rất cao và có tính toàn diện mà cả EU và Việt Nam đã dồn công sức để đàm phán, hoàn tất thủ tục pháp lý để ký kết trong tháng Sáu này.
Cùng với EVFTA, EVIPA, vị thế của Việt Nam sẽ được khẳng định rất mạnh mẽ trên trường quốc tế, như là một trong những quốc gia có đóng góp to lớn, có trách nhiệm cho sự phát tiển của toàn cầu hóa theo hướng tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại nhưng trên cơ sở có tính đến điều kiện phù hợp để bảo vệ lợi ích của các nước tham gia. Đặc biệt, là phù hợp với trình độ phát triển và sự chênh lệch của các đối tác cùng tham gia hiệp định.
Theo các chuyên gia trong và ngoài nước, hai Hiệp định này vừa tạo ra cơ hội lẫn thách thức dành cho Việt Nam.
Theo phân tích của ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, sẽ có nhiều cơ hội cho Việt Nam vì những Hiệp định này tăng cường khả năng tiếp cận thị trường vào các thị trường xuất khẩu lớn. Người tiêu dùng cũng sẽ được hưởng lợi vì hàng hóa nhập khẩu sẽ giảm giá.
Trả lời phỏng vấn Báo điện tử Chính phủ, ông Ousmane Dione cho rằng những cam kết trong Hiệp định không chỉ nhằm giảm thuế mà còn liên quan tới các vấn đề khác như mua sắm công, quyền sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp đầu tư và quản lý doanh nghiệp nhà nước cũng như hướng đến làn sóng cải cách tiếp theo.
Nhưng những cơ hội này cũng mang tới thách thức. Cụ thể, Việt Nam sẽ phải tiếp tục thúc đẩy khả năng cạnh tranh, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước nhằm tận dụng những lợi ích của Hiệp định này và chịu được sự cạnh tranh gia tăng ở thị trường nội địa trong một số lĩnh vực nhất định.
Hai là, trong một số lĩnh vực nhất định sẽ có những quy định về xuất xứ nghiêm ngặt. Điều này đòi hỏi việc tái cấu trúc các chuỗi giá trị. Ví dụ như việc sản xuất may mặc của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu các nguyên liệu thô và sẽ phải tái cấu trúc nguồn cung ứng đầu vào để tuân theo các quy định về xuất xứ.
Trong khi việc giảm thuế tạo ra nhiều lợi ích kinh tế, việc này cũng đồng thời giảm nguồn thu và do đó Việt Nam cần phải huy động các nguồn tài chính công thay thế cho phát triển.
Theo đánh giá chung, những Hiệp định này được kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho Việt Nam, tuy nhiên cần phải có những cải cách đi kèm nhằm đảm bảo hiện thực hóa những lợi ích này và giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn.
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh nhận định rằng EVFTA và IPA được ký kết mang ba ý nghĩa lớn. Một là, Hiệp định được ký kết chắc chắn sẽ tạo cho nền kinh tế Việt Nam không gian về mặt thị trường rộng lớn hơn, chất lượng cao hơn. Đó là thị trường EU. Điều này giúp cho chúng ta nâng cao được chính năng lực của nền kinh tế, mặt khác lại có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị mới, chuỗi giá trị toàn cầu ở mức cao nhất.
Ý nghĩa thứ hai khi Hiệp định được thực thi là chúng ta sẽ tranh thủ được nguồn vốn, khoa học kỹ thuật cao của thị trường EU.
Thứ ba, nếu tính cộng hưởng lại, chúng ta vừa tăng cường hội nhập, vừa tranh thủ được thị trường phát triển kinh tế cũng tạo đà cho cải cách và đổi mới ở Việt Nam tăng lên. Cộng hưởng tất cả những điều đó sẽ tạo cho vị thế và sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam được nhân lên nhiều lần.
Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.
Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.
Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% (năm 2019-2023); 4,57-5,30% (năm 2024-2028) và 7,07-7,72% (năm 2029-2033).
Theo Bộ Công Thương, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả), đồ gỗ, v.v. là rất đáng kể.
Mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).
Được khởi động từ tháng 6/2012, đến cuối năm 2015, Việt Nam và EU đã kết thúc quá trình đàm phán và tích cực thực hiện công tác rà soát pháp lý nhằm tiến tới sớm ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Đến tháng 9/2017, EU chính thức đưa ra một định dạng mới cho hiệp định sẽ ký kết với Việt Nam. EU đã đề xuất tách FTA thành 2 hiệp định độc lập là EVFTA và EVIPA.
Theo lịch trình, sau khi được ký kết, hai hiệp định EVFTA và EVIPA sẽ được trình lên Nghị viện châu Âu (EP) và nghị viện của 28 nước thành viên bỏ phiếu thông qua.
Theo đánh giá, EVFTA sẽ được EP thông qua vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2020. Còn EVIPA sẽ mất nhiều thời gian hơn, ít nhất là 2 năm để EP và nghị viện của 28 quốc gia thành viên thông qua.