Tại một gói thầu hơn 80 tỷ đồng ở tỉnh Phú Yên, bên cho thuê phá vỡ hợp đồng nguyên tắc thuê máy, dẫn đến kéo dài tiến độ chọn nhà thầu thêm hơn nửa năm. Ảnh: Lê Tiên |
Tuy nhiên, nhiều nhà thầu đang thực hiện các giao kết này lỏng lẻo, chưa có tính ràng buộc cao, vô tình đẩy chủ đầu tư, bên mời thầu (BMT) vào thế khó khi xảy ra mâu thuẫn với đối tác cho thuê.
Bên cho thuê lật kèo
Câu chuyện xảy ra tại gói thầu có giá trị hơn 80 tỷ đồng được triển khai ở tỉnh Phú Yên, liên quan trực tiếp đến hợp đồng nguyên tắc mà nhà thầu ký để thuê thiết bị khi dự thầu. Theo đó, khi một nhà thầu vượt qua bước đánh giá kỹ thuật, có giá dự thầu xếp thứ nhất, BMT lập tức nhận được “mưa kiến nghị”. Nhà thầu có giá dự thầu xếp thứ hai gửi đến 3 văn bản kiến nghị liên quan đến hợp đồng nguyên tắc.
Kiến nghị cho rằng, cần làm rõ nhà thầu xếp hạng thứ nhất có ký hợp đồng nguyên tắc thuê thiết bị (máy đào bánh xích) với đơn vị cho thuê hay không? Hay là nhà thầu này đã cố ý sửa chữa năm ký hợp đồng, cung cấp thông tin không chính xác trong hồ sơ dự thầu (HSDT) để được trúng thầu? Tình thế gay cấn hơn khi đơn vị đối tác của nhà thầu xếp thứ nhất cũng có văn bản phủ nhận việc ký hợp đồng nguyên tắc nêu trên.
Trước tình hình này, BMT phải mời đơn vị giám định kỹ thuật của Công an tỉnh Phú Yên vào cuộc nhằm làm rõ cáo buộc. Kết quả giám định cho thấy, trên các hợp đồng của hai năm 2018 và 2019 đều là con dấu thật, do cùng một người ký. Do đó, các hợp đồng nguyên tắc này hoàn toàn không phải giả mạo, không sửa chữa.
BMT đã mời các bên, gồm: nhà thầu kiến nghị, nhà thầu xếp hạng thứ nhất và đơn vị đối tác ký hợp đồng nguyên tắc đến để đối chiếu, làm rõ. Hợp đồng nguyên tắc thuê thiết bị (máy đào bánh xích) có bản gốc kèm theo bản photocopy được chứng thực giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường mà không có bản gốc để đối chiếu. Lý do được đưa ra là đơn vị đối tác cho thuê không hợp tác thực hiện theo hợp đồng nguyên tắc.
Nhà thầu xếp hạng thứ nhất buộc phải có văn bản cam kết huy động thiết bị máy đào bánh xích có dung tích tương tự mà đơn vị đối tác “lật kèo” giữa chừng nhằm đảm bảo đáp ứng để thực hiện công tác thi công trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng.
Để xử lý tình huống phát sinh liên quan đến hợp đồng nguyên tắc nêu trên, BMT, nhà thầu đã mất khoảng thời gian hơn nửa năm để có thể tiến hành các bước kế tiếp theo quy định trong việc lựa chọn nhà thầu.
Yêu cầu cam kết thực hiện hợp đồng
Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện nhà thầu xếp hạng thứ nhất giãi bày: “Ai cũng hiểu chuyện này là do đơn vị đối tác ký hợp đồng nguyên tắc với chúng tôi bị nhà thầu xếp hạng thứ hai lôi kéo, xúi bẩy để khiến việc lựa chọn nhà thầu kéo dài và nhằm triệt hạ đối thủ có giá dự thầu cạnh tranh”. Tuy nhiên, khi trả lời Báo Đấu thầu về việc “trách nhiệm của đơn vị đối tác khi phá vỡ hợp đồng nguyên tắc đã ký như thế nào? Những thiệt hại (nếu có) của nhà thầu khi một trong hai bên không thực hiện theo hợp đồng này được tính toán như thế nào?” thì Nhà thầu lại cho biết: “Hợp đồng nguyên tắc về cho thuê thiết bị trong đấu thầu thực tế chưa được nhiều đơn vị thực hiện nghiêm. Có chuyện gì xảy ra cũng đóng cửa bảo nhau, dĩ hòa vi quý”.
Rõ ràng, có việc các bên liên quan đang coi nhẹ tính pháp lý và ràng buộc trách nhiệm khi ký hợp đồng nguyên tắc cho thuê thiết bị để nhà thầu hoàn thiện HSDT. Điều này thể hiện bất cập khiến nhiều BMT gặp khó khăn trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu. Cụ thể, để huy động trang thiết bị phục vụ cho việc thi công của gói thầu, đại đa số các nhà thầu hiện nay đều ký hợp đồng nguyên tắc với đối tác cho thuê. Nếu việc giao kết này không được chính nhà thầu và đơn vị cho thuê coi trọng như một văn bản pháp lý, thì việc huy động thiết bị cũng rất rủi ro. Theo đó, rủi ro này khiến nhiều BMT bị đưa vào thế tiến thoái lưỡng nan khi nhà thầu trúng thầu không thể huy động trang thiết bị như dự kiến, dẫn tới nguy cơ chậm tiến độ, vỡ kế hoạch đề ra.
Thêm vào đó, khi một trong hai bên phá vỡ hợp đồng, chính những ràng buộc lỏng lẻo trong hợp đồng nguyên tắc lại khiến đơn vị đi thuê “bất lực”, “không thể làm được gì” và không được đền bù thiệt hại.
Theo các luật sư, hợp đồng nguyên tắc là một loại hợp đồng thể hiện sự thỏa thuận giữa các bên về mua bán hàng hóa hay cung ứng bất kỳ dịch vụ nào đó, tuy nhiên việc ký kết hợp đồng nguyên tắc chỉ mang tính chất định hướng. Hợp đồng nguyên tắc thường được sử dụng khi các bên mới bước đầu tiếp cận tìm hiểu khả năng, nhu cầu của nhau và đã thống nhất được một số nội dung về việc hợp tác. Có thể hiểu đơn giản là hợp đồng nguyên tắc là một hợp đồng khung để các bên thực hiện các giao dịch phát sinh sau đó.
Hợp đồng nguyên tắc chỉ quy định các vấn đề chung nên khi xảy ra tranh chấp, rất khó để giải quyết, nhất là khi các bên không thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ của mình.
Một chuyên gia về đấu thầu chia sẻ, những cam kết của nhà thầu về việc huy động trang thiết bị, vật liệu khi tham dự thầu phải tuân thủ nghiêm các quy định về đấu thầu. Do đó, khi ký hợp đồng nguyên tắc để hoàn thiện HSDT, các nhà thầu cần lưu ý ràng buộc trách nhiệm với đơn vị cho thuê trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng.