Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (phải) và Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng CHLB Đức Peter Altmaier ký Tuyên bố chung về Chương trình hợp tác đào tạo doanh nghiệp giai đoạn 2019 – 2021. Ảnh: Đức Trung |
Khoảng một tuần sau, trong chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam của đoàn đại biểu do Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng CHLB Đức dẫn đầu cùng nhiều DN hàng đầu của quốc gia này, NIC tiếp tục nhận được rất nhiều sự quan tâm.
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại CHLB Đức theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức Peter Altmaier từ ngày 15/3 - 18/3/2019, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã trực tiếp giới thiệu về mô hình NIC tới 20 DN hàng đầu của Đức; Hội DN Việt Nam tại CHLB Đức; giới thiệu riêng và có đề xuất hợp tác riêng với Tập đoàn Siemens và Tập đoàn SAP - công ty phần mềm lớn nhất châu Âu;… Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã có bài phát biểu tại sự kiện Ostasiatisches Liebesmahl (Yến tiệc tình yêu) Đông Á lần thứ 99 do Hội DN Đức tại châu Á - Thái Bình Dương (OAV) tổ chức, khẳng định quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và CHLB Đức đang bước vào giai đoạn phát triển mới. Là khách mời danh dự duy nhất có diễn văn phát biểu tại Sự kiện, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ nhiều thông tin về vị thế của Việt Nam trong bối cảnh mới trước sự chứng kiến của 500 chính khách, học giả, doanh nhân uy tín của Đức.
Tại cuộc làm việc với Bộ KH&ĐT sáng ngày 25/3, Bộ trưởng Peter Altmaier chia sẻ, những phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại CHLB Đức đã cho thấy rõ hơn một đất nước Việt Nam hiện đại, đang nỗ lực bắt kịp các xu hướng mới, công nghệ mới và có thể tiến nhanh hơn trong thời gian tới. “Chúng tôi thấy Việt Nam quan tâm rất nhiều đến cách mạng công nghiệp 4.0, thấy giới trẻ rất quan tâm kỹ thuật số, công nghệ số”, Bộ trưởng Peter Altmaier nói.
Bộ trưởng Peter Altmaier cho biết, Chính phủ Đức rất coi trọng mối quan hệ đối tác với Việt Nam, và sẽ cùng nhau mở ra giai đoạn hợp tác mới trên những lĩnh vực mới, song hành với việc tiếp tục triển khai tốt những dự án đã ký kết. Con số DN Đức hoạt động tại Việt Nam sẽ được mở rộng hơn nữa, không chỉ là 300 như hiện nay.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thể hiện mong muốn Chính phủ Đức, DN Đức mở rộng hợp tác trong những lĩnh vực mà Việt Nam đang hướng ưu tiên thu hút đầu tư, theo chủ trương phát triển xanh và bền vững… “Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, mở ra không gian phát triển tốt, thị trường rộng lớn cho DN. DN Đức có thể hỗ trợ, cùng Việt Nam tận dụng cơ hội này”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ. Đồng thời, Bộ trưởng cho biết, Việt Nam đang chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, dự kiến sẽ bổ sung đột phá chiến lược mới là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bởi vì Việt Nam muốn phát triển nhanh và bền vững thì phải dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây là lĩnh vực mà Việt Nam rất mong muốn hợp tác với CHLB Đức - một quốc gia có công nghệ hiện đại, tiềm năng về vốn, chất lượng và kinh nghiệm quản lý tiên tiến. Đặc biệt, CHLB Đức sở hữu nhiều công nghệ nguồn, công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới. Bộ trưởng cho biết, NIC sẽ ưu tiên 5 lĩnh vực: nhà máy thông minh, nội dung số, an ninh mạng, đô thị thông minh, công nghệ môi trường. Những lĩnh vực này rất phù hợp với ưu tiên, quan tâm của DN Đức.
Từ những đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Peter Altmaier đề xuất “ý tưởng đột xuất” là hai bên có thể hợp tác thúc đẩy các DN khởi nghiệp tăng tốc, như mô hình Đức đã hợp tác hỗ trợ ở một số quốc gia. Nhiều DN lớn của Đức mong muốn hợp tác với Việt Nam về những chương trình hỗ trợ DN khởi nghiệp, chính phủ điện tử, môi trường. Đặc biệt, dành quan tâm lớn tới NIC, Bộ trưởng Peter Altmaier và đoàn DN Đức đã có chuyến tham quan Khu công nghệ cao Hòa Lạc - nơi sẽ xây dựng NIC, ngay trong chiều 25/3.