Hụt thu tại hàng chục trạm BOT: Đề xuất bảo lãnh doanh thu cho nhà đầu tư

(BĐT) - Trước thực trạng 26/57 dự án BOT trong lĩnh vực đường bộ đang thu phí hoàn vốn không đảm bảo doanh thu theo phương án tài chính, rất nhiều nhà đầu tư đề xuất Nhà nước có cơ chế chia sẻ rủi ro thông qua bảo lãnh doanh thu để nhà đầu tư an tâm khi theo đuổi những dự án “dài kỳ”.
Doanh thu của Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp Quốc lộ 3 giảm 88% so với phương án tài chính. Ảnh: Phi Long
Doanh thu của Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp Quốc lộ 3 giảm 88% so với phương án tài chính. Ảnh: Phi Long

Từ mong muốn của nhà đầu tư…

Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐB), trong số 57 dự án BOT do cơ quan này quản lý, có tới 26 dự án có doanh thu giảm so với hợp đồng. Một số dự án BOT bị giảm doanh thu lớn so với phương án tài chính là Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp Quốc lộ 3 (giảm 88%); Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Việt Trì mới, qua sông Lô, trên Quốc lộ 2 (giảm 57%); Dự án Nâng cấp Quốc lộ 38 đoạn nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 5 (giảm 53%); Dự án Nâng cấp Quốc lộ 2 đoạn tránh TP. Vĩnh Yên (giảm 48%)…

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng TCĐB cho biết, có nhiều lý do khiến các dự án BOT bị hụt thu như: lưu lượng thực tế thấp hơn so với dự kiến hợp đồng; phân lưu lưu lượng phương tiện sang tuyến đường song hành; giảm giá vé dịch vụ sử dụng đường bộ và giảm giá cho khu vực lân cận trạm thu phí; trạm thu phí chưa được đưa vào khai thác theo quy định trong hợp đồng hoặc thời gian đưa vào thu phí chậm so với hợp đồng…

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Ngọ Trường Nam - đại diện Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả - cho biết, vẫn có ý kiến nói rằng, nhà đầu tư BOT phải “lời ăn lỗ chịu”, nhưng đặc thù của các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực giao thông là tổng mức đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài (trung bình 20 - 30 năm), nhà đầu tư phải đối mặt với rất nhiều rủi ro trong quá trình thực hiện. Vì thế, để đảm bảo sự yên tâm và chắc chắn cho nhà đầu tư khi tham gia đầu tư dự án, cũng là tăng sức hấp dẫn cho các dự án PPP, Nhà nước cần có các cơ chế để chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư như bảo lãnh doanh thu tối thiểu cho dự án, xem xét hạn mức tín dụng vay vốn ngân hàng cho các dự án BOT…

Đại diện Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết, từ thực tiễn triển khai các dự án PPP ngành giao thông vận tải thời gian qua, phản hồi của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư quốc tế, đối với Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang lựa chọn nhà đầu tư, cũng như kinh nghiệm tại một số quốc gia phát triển cho thấy, dự án đầu tư theo hình thức PPP cần thiết phải có các bảo lãnh của Chính phủ. Tuy nhiên, nguyên tắc áp dụng bảo lãnh doanh thu tối thiểu và bảo lãnh ngoại tệ cần được xem xét kỹ lưỡng trên cơ sở nghiên cứu thông lệ quốc tế cũng như đặc thù của Việt Nam. 

… đến tính khả thi của quy định bảo lãnh

Trả lời câu hỏi của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế về quy định của Việt Nam đối với vấn đề bảo lãnh doanh thu dự án PPP tại Hội nghị kêu gọi đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông mới đây, bà Vũ Thị Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, hiện Việt Nam chưa có quy định nào đề cập đến vấn đề này. Trong Dự thảo Luật PPP mới nhất, Ban soạn thảo đã đưa nội dung này vào để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp. Trên thế giới, một số quốc gia cũng đã thực hiện chính sách bảo lãnh doanh thu cho dự án PPP như Hàn Quốc, Malaysia, Mexico, Canada, Colombia, Nam Phi…, nhưng trong quá trình thực hiện, hình thức bảo lãnh doanh thu tối thiểu cũng bộc lộ những hạn chế nhất định.

Ngày 22/5/2019, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Văn Huyện cho biết, trong các hợp đồng BOT hiện nay đều có điều khoản về đàm phán, điều chỉnh phương án tài chính, kéo dài thời gian thu phí nếu doanh thu giảm từ 10% trở lên. Nếu Chính phủ thực hiện bảo lãnh doanh thu tối thiểu cho dự án PPP thì vô hình trung sẽ dẫn đến những rủi ro và gây áp lực lên ngân sách nhà nước. Điều quan trọng với nhà đầu tư khi tham gia dự án PPP là phải cân nhắc kỹ lưỡng, phải tính toán cụ thể phương án tài chính, các tuyến đường lưu thông… rồi mới bắt tay vào đầu tư dự án, chứ không nên quá trông chờ vào việc bảo lãnh doanh thu của Chính phủ.

Theo ý kiến của một số nhà đầu tư, việc thiếu các quy định về bảo lãnh doanh thu làm giảm tính hấp dẫn của các dự án PPP tại Việt Nam. Thực tế là trong lĩnh vực giao thông vận tải, 3 năm trở lại đây gần như không có dự án nào được triển khai xây dựng mới theo hình thức PPP do nhà đầu tư lo thiếu hụt doanh thu tại các dự án BOT đã và đang khai thác. Việc nhượng quyền thu phí ở một số tuyến cao tốc thất bại như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng xuất phát từ nguyên nhân chưa có quy định về bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh ngoại tệ.

Tin cùng chuyên mục