Khắc phục chồng chéo, mâu thuẫn về quy hoạch sử dụng đất

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhằm đảm bảo đồng bộ, tránh chồng chéo, mâu thuẫn về quy hoạch sử dụng đất (QHSDĐ), một số chuyên gia cho rằng, cần bổ sung nguyên tắc, trình tự lập QHSDĐ tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở tất cả các cấp cần căn cứ vào quy hoạch vùng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ảnh: Tiên Giang
Việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở tất cả các cấp cần căn cứ vào quy hoạch vùng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ảnh: Tiên Giang

Thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 18/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương nhằm mục tiêu xây dựng hệ thống QHSDĐ thống nhất; bảo đảm khai thác hiệu quả, tiết kiệm và bền vững tài nguyên, tài sản đất đai; khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch hiện nay, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã dành 1 chương (Chương IV Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất) để quy định về nội dung này.

Theo đó, Điều 37 Dự thảo Luật đã sửa đổi nguyên tắc lập quy hoạch. Trong đó, QHSDĐ quốc gia, các quy hoạch quốc gia và quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải đảm bảo phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau phát triển; đáp ứng yêu cầu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm kết hợp giữa chỉ tiêu sử dụng các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên, thể hiện được thông tin đến từng thửa đất; bảo đảm tính liên tục, kế thừa, ổn định; phân bổ nguồn lực đảm bảo cân đối, hài hòa quyền, nghĩa vụ, lợi ích, trách nhiệm giữa Nhà nước, xã hội và người sử dụng đất; đảm bảo sự cân đối nhu cầu sử dụng đất giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương…

Để khắc phục độ trễ trong triển khai lập quy hoạch đất đai, các quy hoạch có sử dụng đất, Dự thảo Luật bổ sung quy định về tầm nhìn của QHSDĐ tại Điều 39 và thời điểm lập quy hoạch tại Điều 40, đảm bảo quy hoạch đất đai đáp ứng yêu cầu của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Việc đổi mới nội dung, phương pháp, quy trình tổ chức lập, điều chỉnh và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (KHSDĐ) được thể hiện tại các điều 40, 41, 42 Dự thảo Luật. Nội dung QHSDĐ cấp huyện phải xác định không gian, ranh giới, vị trí, diện tích các vùng đất theo định hướng giao thông, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo các khu chức năng đã được thể hiện trong quy hoạch đô thị, quy hoạch chung xây dựng vùng huyện, quy hoạch phân khu và quy hoạch nông thôn theo kỳ QHSDĐ.

Điều 48 Dự thảo Luật quy định việc rà soát QHSDĐ được thực hiện theo định kỳ 5 năm để điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn. Đối với những dự án đầu tư công, nếu quá 5 năm kể từ năm được đưa vào KHSDĐ mà chưa thực hiện thì người sử dụng đất trong vùng quy hoạch được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định nhưng không được xây dựng công trình có niên hạn sử dụng trên 20 năm.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch HĐQT GP-Invest nêu vấn đề, tại Dự thảo Luật, các điều 40, 41, 42 có quy định về căn cứ lập quy hoạch, KHSDĐ cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện nhưng không nêu cụ thể căn cứ vào quy hoạch vùng đã được phê duyệt để xây dựng quy hoạch, KHSDĐ. Ông Hiệp cho rằng, việc xây dựng quy hoạch, KHSDĐ ở tất cả các cấp, trước hết phải căn cứ vào quy hoạch vùng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia ở cấp vùng về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bổ dân cư nông thôn, xây dựng vùng liên tỉnh, kết cấu hạ tầng) để tránh chồng chéo, mâu thuẫn về quy hoạch.

Bên cạnh đó, ông Hiệp nhấn mạnh, cần quy định cụ thể hơn về trình tự lập QHSDĐ. Trình tự lập quy hoạch tuân thủ theo quy định có liên quan (Luật Quy hoạch) thì cũng cần phải quy định cụ thể tại Luật Đất đai để thuận tiện trong quá trình triển khai thực hiện. Vì Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chỉ quy định về việc lấy ý kiến (Điều 45) và thẩm định quy hoạch (Điều 46), ngoài hai thủ tục này còn rất nhiều thủ tục khác có liên quan để có thể lập được quy hoạch mà Luật Đất đai không đề cập.

Về thẩm quyền quyết định, phê duyệt quy hoạch, KHSDĐ, Dự thảo Luật quy định, UBND cấp tỉnh (hoặc UBND cấp huyện) trình HĐND cùng cấp thông qua quy hoạch, KHSDĐ trước khi trình lên cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Theo ông Hiệp, vấn đề này vấp phải tình huống phát sinh trong thực tế. Cụ thể, HĐND một năm họp 2 lần, nếu dự án cần phê duyệt KHSDĐ sau kỳ họp HĐND thì sẽ phải chờ tới kỳ họp HĐND tiếp theo mới có thể thông qua và trình phê duyệt. Để giải quyết bất cập này, ông Hiệp đề xuất, đối với KHSDĐ hàng năm chỉ cần Thường trực HĐND thông qua trước khi trình cơ quan có thẩm quyền quyết định.

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội bày tỏ quan điểm, Dự thảo Luật cần bổ sung nguyên tắc QHSDĐ phải đảm bảo tính đặc thù của từng địa phương và đảm bảo tính liên kết giữa các địa phương, vùng, miền. Điều này nhằm khắc phục tình trạng QHSDĐ giống nhau giữa các địa phương mà chưa chú trọng đến việc phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng tỉnh, huyện trong nội dung QHSDĐ. Hơn nữa, nếu không đảm bảo tính liên kết giữa các địa phương trong lập quy hoạch, KHSDĐ, sẽ dẫn đến hiện tượng chồng chéo, phân tán nguồn lực, tiềm ẩn sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương trong thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng, thế mạnh của đất đai.

Tin cùng chuyên mục