Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu bế mạc Hội nghị WEF ASEAN 2018. Ảnh: VGP |
Hội nghị thu hút dông đảo đại diện lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, đặc biệt là lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới của Diễn đàn Kinh tế thế giới và đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới Borge Brende tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, trong 2 năm gần đây, Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều cuộc thảo luận nhất về Cách mạng công nghiệp 4.0 và cũng được kỳ vọng là quốc gia có thể hiện thực hóa để bứt phá theo trào lưu của cuộc cách mạng này.
Dẫn báo cáo của Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu vừa công bố vào năm nay, ông Lộc cho biết, chỉ số khởi nghiệp của Việt Nam đứng thứ 6 trong số 54 nền kinh tế tham gia khảo sát. Kết quả nghiên cứu của AlphaBeta cũng xếp hạng Việt Nam ở vị trí thứ 2 về môi trường đầu tư công nghệ và thứ 3 về nhân tài số trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương… Đó là những lợi thế mới của Việt Nam trong nền kinh tế số, bên cạnh những lợi thế truyền thống: vị trí địa chính trị, địa kinh tế thuận lợi, sự ổn định về chính trị-xã hội, quy mô thị trường lớn được gắn kết nối với các hiệp định thương mại tự do, lực lượng lao động trẻ, dồi dào và chi phí thấp,… Những nỗ lực cải cách thể chế, chủ trương xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển, đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm, cũng đang trở thành một động lực mới của nền kinh tế Việt Nam.
Chính phủ vừa quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ Điện tử do đích thân Thủ tướng làm Chủ tịch. Quyết định này lan tỏa một thông điệp mạnh mẽ: Chính phủ sẽ đi đầu trong nền kinh tế số - hướng tới một nền hành chính minh bạch và hiệu quả - yêu cầu quan trọng bậc nhất của một nền kinh tế thị trường hiện đại.
Cũng chính vì vậy, theo đại diện VCCI, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam lấy tên gọi: Việt Nam, We mean Business (Việt Nam là đối tác kinh doanh tin cậy) để thể hiện cam kết của Việt Nam với toàn thế giới.
Tại Hội nghị, những định hướng về tầm nhìn, chương trình cải cách và triển vọng phát triển của Việt Nam gắn kết với các chuỗi giá trị toàn cầu sẽ được chia sẻ trong các bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Các vị Bộ trưởng, lãnh đạo các tổ chức quốc tế và các tập đoàn kinh doanh hàng đầu sẽ giới thiệu cụ thể các cơ hội kinh doanh với Việt Nam trong kỷ nguyên số, đặc biệt là các dự án đổi mới sáng tạo, các cơ hội đầu tư tài chính trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, phát triển doanh nghiệp tư nhân, các dự án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, trong đó có các dự án phát triển cơ sở hạ tầng số trong nền kinh tế, để góp phần thực hiện ý tưởng về kết nối số với ASEAN và thế giới như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập trong Diễn văn khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào ngày hôm qua… Đây là những lĩnh vực được dự báo là sẽ có sự phát triển bùng nổ trong một nền kinh tế có tốc độ phát triển cao và hội nhập mạnh mẽ như Việt Nam. Các cơ hội này càng lớn hơn trong bối cảnh xung đột thương mại trong nền kinh tế toàn cầu có diễn biến phức tạp và chính sách hướng Nam mới ở các nền kinh tế Đông Bắc Á đang được gia tốc, và Việt Nam được kỳ vọng sẽ là một điểm đến thân thiện, an toàn.