Khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV: Kỳ họp đặc biệt với trọng trách lớn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hôm nay, Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV khai mạc tại Hà Nội. Đây là kỳ họp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đặt nền móng cho hoạt động của Quốc hội khóa XV, trong đó có nội dung bầu, phê chuẩn kiện toàn nhân sự các chức danh lãnh đạo của các cơ quan nhà nước. Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét nhiều nội dung quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất, sớm nhất triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho cả nhiệm kỳ.
Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới. Ảnh: Lê Tiên
Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới. Ảnh: Lê Tiên

Tập trung kiện toàn công tác nhân sự

Theo đánh giá của nhiều đại biểu và cử tri, Quốc hội khoá XV bước vào kỳ làm việc đầu tiên với thuận lợi bước đầu là sự thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV sẽ họp tập trung trong thời gian 11,5 ngày, dự kiến bế mạc vào ngày 31/7/2021 thay vì ngày 5/8 như trước đó.

Tại Kỳ họp, Quốc hội sẽ dành khoảng 3 ngày làm việc để xem xét, quyết định về công tác tổ chức, nhân sự. Cụ thể, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định số Phó Chủ tịch Quốc hội, số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bầu Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Quốc hội sẽ bỏ phiếu kín bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Quốc hội quyết định cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ; phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ…

Trước thềm phiên khai mạc Kỳ họp, chia sẻ với Báo Đấu thầu, đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn (đoàn TP.HCM) nhận định, kiện toàn công tác nhân sự ngay từ đầu nhiệm kỳ là một trong những vấn đề quan trọng, nền tảng đối với hoạt động của Quốc hội. Công tác này nhằm chọn được những người thực sự đủ sức, đủ tài để điều hành công việc của đất nước, từ đó tạo bước phát triển mạnh mẽ cho nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Quyết nghị nhiều vấn đề lớn

Bên cạnh công tác nhân sự, tại Kỳ họp này, Quốc hội còn quyết nghị các vấn đề kinh tế - xã hội của năm 2021 và cả nhiệm kỳ 2021 - 2026 mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Theo Chương trình, Quốc hội sẽ nghe Thủ tướng Chính phủ (hoặc Phó Thủ tướng) trình bày Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra đối với Báo cáo của Chính phủ.

Quốc hội sẽ xem xét, quyết định Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Đại biểu Trần Anh Tuấn cho rằng, đây là những nội dung quan trọng định hướng mang tính trung hạn nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, từ đó thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.

Tuy vậy, ông Tuấn lưu ý, vấn đề đặt ra hiện nay là dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Vì thế, trước mắt, chúng ta cần kiểm soát, tiến tới dập tắt được các ổ dịch; đồng thời phải triển khai chiến lược tiêm chủng vaccine nhanh chóng, rộng rãi. Phải kết hợp cả 2 biện pháp trên thì mới có thể đạt được miễn dịch cộng đồng, bởi đây là nền tảng để hiện thực hóa được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, yêu cầu quan trọng của nhiệm kỳ này là đẩy mạnh cải cách hoàn thiện thể chế kinh tế theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII nhằm xây dựng thể chế có chất lượng cao, phục vụ hiệu quả cho việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm tới, trong đó nội dung cơ cấu lại nền kinh tế là rất quan trọng. Theo ông Hiếu, cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn này cần hướng đến một nền kinh tế năng động, hiệu quả, tự lực, tự cường trong bối cảnh thế giới đầy bất định.

Tin cùng chuyên mục