Khai mạc phiên họp trực tuyến của Hội đồng Điều hành IPU lần thứ 206

0:00 / 0:00
0:00
Tối 01/11 theo giờ Hà Nội, khai mạc phiên họp trực tuyến của Hội đồng Điều hành của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 206. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam Nguyễn Văn Giàu dẫn đầu Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự phiên họp.

Quyền Chủ tịch IPU Chen Guomin điều hành phiên họp. Tham dự phiên họp còn có Tổng Thư ký IPU Martin Chungong cùng 454 nghị sỹ đến từ 144 đoàn đại biểu, trong đó có 46 Chủ tịch Nghị viện. Phía đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam còn có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà.

Phiên họp lần thứ 206 của Hội đồng điều hành IPU diễn ra theo hình thức trực tuyến trong 4 ngày từ ngày 1/11 - ngày 4/11/2020 để thảo luận và đưa ra quyết định về các vấn đề cấp bách liên quan đến hoạt động của tổ chức - bao gồm cả việc thông qua ngân sách và chương trình làm việc của IPU cho năm 2021 và bầu cử Chủ tịch IPU.

Khai mạc phiên họp trực tuyến của Hội đồng Điều hành của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 206

Khai mạc phiên họp trực tuyến của Hội đồng Điều hành của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 206

Phát biểu khai mạc phiên họp, chào mừng các đại biểu Quốc hội các nước tham dự phiên họp trực tuyến lần này, Quyền Chủ tịch IPU Chen Guomin cho biết tại cuộc họp vào ngày 26/6 vừa qua, Hội đồng điều hành IPU đã quyết định do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 gây ra, một phiên họp trực tuyến của Hội đồng quản trị sẽ được triệu tập từ ngày 1 đến ngày 4/11/2020 để thảo luận và đưa ra quyết định về các vấn đề cấp bách liên quan đến hoạt động của tổ chức - bao gồm cả việc thông qua ngân sách và chương trình làm việc của IPU cho năm 2021 và bầu cử Chủ tịch IPU. Quyết định này phù hợp với Điều 17.2 của Quy chế IPU, trong đó quy định rằng “Hội đồng điều hành sẽ được Chủ tịch triệu tập trong phiên họp bất thường nếu Hội đồng điều hành hoặc Ủy ban điều hành xét thấy điều này là cần thiết, hoặc một phần tư số thành viên của Hội đồng điều hành yêu cầu ”.

Theo chương trình, trong phiên họp Hội đồng điều hành lần này, các đại biểu sẽ thông qua các Báo cáo phiên họp Hội đồng Điều hành lần thứ 205 (tháng 10/2019), Báo cáo hoạt động của Chủ tịch IPU, Báo cáo tóm tắt của Ủy ban Nhân quyền nghị sỹ, Báo cáo tóm tắt Hội nghị trực tuyến của Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 và Hội nghị Thượng đỉnh các Nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới diễn ra từ ngày 17- 21/8/2020. Hội đồng Điều hành cũng sẽ quyết định Báo cáo tài chính IPU năm 2019, Dự kiến các hoạt động của IPU và Dự toán ngân sách năm 2021. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục phức tạp và có phần nghiêm trọng hơn ở nhiều quốc gia trên thế giới, IPU tổ chức phiên họp trực tuyến thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực ứng phó của IPU trong tình hình mới.

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe và thảo luận nhiều nội dung trong báo cáo của Chủ tịch IPU sắp mãn nhiệm Gabriela Cuevas Barron. Chủ tịch IPU sắp mãn nhiệm Gabriela Cuevas Barron chia sẻ, trong nhiệm kỳ của mình từ 2017 đến 2020 là ba năm hoạt động cùng các đồng nghiệp vì một IPU dân chủ và hòa nhập hơn. Trong đó, các ưu tiên quan trọng trong nhiệm kỳ của Chủ tịch IPU là nỗ lực để biến các cam kết quốc tế thành hiện thực ở mỗi quốc gia. Cùng với đó là những nỗ lực đáng kể đã được thực hiện để đưa IPU đến gần hơn với Chương trình nghị sự 2030. Chủ tịch IPU cũng nỗ lực để đưa IPU trở thành một tổ chức toàn diện hơn, để lắng nghe nhiều tiếng nói hơn và cân nhắc trong quá trình ra quyết định phản ánh đúng tinh thần nghị viện. Đồng thời, tăng cường tính minh bạch trong IPU. Được xem là người trẻ nhất và là nữ Chủ tịch thứ hai của IPU trong lịch sử 131 năm của tổ chức này, Chủ tịch danh dự sắp mãn nhiệm của IPU Gabriela Cuevas Barron đã nỗ lực tăng cường sự tham gia của phụ nữ và thanh niên vào Quốc hội với phương châm chỉ có Quốc hội bình đẳng mới có thể xây dựng một thế giới bình đẳng. Chủ tịch IPU cũng đã tiến hành nhiều hoạt động đổi mới nhằm tiết kiệm chi tiêu, tăng cường hiệu quả sử dụng ngân sách của tổ chức. Điều này góp phần thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ của IPU trước những thách thức của thế kỷ 21.

Quyền Chủ tịch IPU Chen Goumin điều hành phiên họp trực tuyến

Quyền Chủ tịch IPU Chen Goumin điều hành phiên họp trực tuyến

Các đại biểu ghi nhận những hoạt động của Chủ tịch IPU góp phần nâng cao vai trò của IPU trong thúc đẩy thực hiện các cam kết quốc tế nhất là trong lĩnh vực phát triển bền vững. Qua đó, IPU đã phát huy được sức mạnh trong tiếng nói chung, đại diện cho 179 nghị viện thành viên trên toàn thế giới, tham gia vào nghị trình quốc tế vì hòa bình, ổn định, dân chủ, pháp quyền, công bằng và bình đẳng, không ngừng đấu tranh đảm bảo cho quyền lợi của phụ nữ, trẻ em, thanh niên trên mọi lĩnh vực. Các đại biểu đánh giá cao những đóng góp của Chủ tịch IPU Gabriela Cuevas Barron, đi vào lịch sử 130 năm của IPU là một nữ Chủ tịch IPU trẻ nhất. IPU trở thành một biểu tượng của ngoại giao nghi viện, khẳng định mạnh mẽ hơn nữa sức sống của chủ nghĩa đa phương trong bối cảnh thế giới có những biến đổi hết sức nhanh chóng và phức tạp.

Phiên họp lần này ghi nhận sự tham gia ứng cử Chủ tịch IPU của 4 ứng cử viên đại diện các nhóm địa chính trị khác nhau, gồm Bồ Đào Nha, Canada, Uzbekistan và Pakistan. Mỗi ứng viên đều đưa ra kế hoạch hành động, tầm nhìn của mình để đưa IPU trở thành tổ chức vững mạnh hơn. Tầm nhìn của các ứng viên Chủ tịch IPU có nhiều điểm chung cốt lõi, đó là phát triển chủ nghĩa đa phương, phát triển IPU và quan hệ đối tác giữa IPU và Liên hợp quốc, hành động mạnh mẽ hơn vì các vấn đề toàn cầu, trong đó có phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, ngoại giao nghị viện, tăng cường đối thoại và hợp tác giữa các nghị viện.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự phiên họp trực tuyến từ đầu cầu Nhà Quốc hội Việt Nam

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự phiên họp trực tuyến từ đầu cầu Nhà Quốc hội Việt Nam

Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam tham gia tích cực tại Phiên họp của Hội đồng điều hành, thể hiện vai trò là thành viên trách nhiệm của IPU và các diễn đàn nghị viện quốc tế và khu vực khác. Việt Nam khẳng định ủng hộ sự phát triển của IPU, thực hiện theo các quy định của IPU đồng thời bảo đảm nguyên tắc luân phiên vì quyền lợi chung của các nghị viện thành viên IPU. Đoàn Việt Nam đánh giá cao những đóng góp của Chủ tịch IPU tiền nhiệm và tin tưởng rằng đó là những giá trị quý báu mà Chủ tịch IPU kế nhiệm có thể phát huy một cách hiệu quả, vì một nền ngoại giao nghị viện đa phương bền vững./.

Tin cùng chuyên mục