Khẩn trương đánh giá hiệu quả các dự án ODA

(BĐT) - Chiều 9/8, tại Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011 - 2016”. 
Tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân giai đoạn 2011 - 2016 đạt khoảng 26,92 tỷ USD. Ảnh: Gia Khoa
Tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân giai đoạn 2011 - 2016 đạt khoảng 26,92 tỷ USD. Ảnh: Gia Khoa

Tại phiên họp này, UBTVQH khẳng định, trong thời kỳ 2011 - 2016, nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi có vị trí quan trọng đối với đầu tư phát triển trong bối cảnh ngân sách nhà nước dành cho đầu tư phát triển còn hạn hẹp, nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lại rất lớn để thực hiện khâu đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020. 

Giải ngân cao hơn nhiều giai đoạn trước

Theo báo cáo của Chính phủ, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết từ năm 1993 đến hết năm 2016 đạt 80,45 tỷ USD, trong đó thời kỳ 2011 - 2016 đạt 33,643 tỷ USD, cao hơn 59% so với thời kỳ 2006 - 2010.

Tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân giai đoạn 2011 - 2016 đạt khoảng 26,92 tỷ USD (bình quân khoảng 4,49 tỷ USD/năm). Nếu không tính mức giải ngân của năm 2016 (3,7 tỷ USD), mức giải ngân của giai đoạn 2011 - 2015 cao hơn 67,5% so với giai đoạn 2006 - 2010. Mức giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong thời kỳ 2011 - 2016 chiếm 8,11% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trung bình hằng năm chiếm khoảng 37,6% tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Chính phủ nhận định, tình hình giải ngân được cải thiện trong giai đoạn này đã giúp hoàn thành nhiều công trình đầu tư bằng vốn ODA, vốn vay ưu đãi để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó có nhiều công trình tầm cỡ quốc gia đã hoàn thành và đưa vào khai thác đúng hạn góp phần tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân.

Theo đánh giá của các nhà tài trợ, Việt Nam đạt tỷ lệ cao về số lượng dự án hoàn thành đạt kết quả phát triển và đạt các mục tiêu đề ra. Theo báo cáo đánh giá độc lập trong nội bộ của Nhóm 6 ngân hàng phát triển, số lượng các dự án hoàn thành kết quả phát triển và đạt các mục tiêu đề ra của Việt Nam tính đến hết năm 2014 đứng thứ hai, sau Trung Quốc, đứng trên Ấn Độ, Indonesia, Philipines và Pakistan. Theo báo cáo đánh giá kết quả các dự án của JICA, Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Thế giới, các dự án của cả 3 nhà tài trợ này tại Việt Nam đạt kết quả cao hơn, tốt hơn các quốc gia khác (Ấn Độ, Indonesia, Philipines, Sri Lanka).

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ cũng nhận thấy vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong thu hút, sử dụng nguồn vốn ODA. Trong đó, tiến độ thực hiện và giải ngân một số chương trình, dự án chưa đáp ứng được yêu cầu và cam kết trong các hiệp định ký kết với nhà tài trợ. Thiết kế của một số chương trình, dự án ODA chưa sát với thực tế, hoặc chưa phù hợp với nhu cầu và nguồn lực có thể bố trí, nhiều dự án phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư so với phê duyệt ban đầu. 

Đánh giá toàn diện các dự án ODA

Theo Báo cáo của Đoàn giám sát của UBTVQH, những tồn tại, hạn chế của việc quản lý, sử dụng nguồn ODA có nguyên nhân từ nhận thức về ý nghĩa của nguồn lực ODA trong một số bộ phận cán bộ còn hạn chế. Giai đoạn 2011-2016, Chính phủ đi vay và chủ yếu cấp phát cho các địa phương, địa phương không phải chịu áp lực trả nợ, trả lãi. Vì vậy, chưa thực sự chú trọng đến hiệu quả của dự án, chưa thấy được trách nhiệm phải quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.

Đoàn giám sát nhận định, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong xây dựng cơ sở pháp lý và công tác quản lý, đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, hiệu quả của một số dự án, công trình đạt được chưa tương xứng với chi phí và nghĩa vụ nợ mà Nhà nước phải trả trong tương lai.

Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo sơ kết, đánh giá toàn diện, khách quan 3 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, kế hoạch tài chính 5 năm, trong đó đánh giá đầy đủ, chính xác về việc huy động, ký kết, giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Đồng thời nêu rõ số vốn chưa đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và đề xuất giải pháp tổng thể cân đối, điều hòa nguồn lực tài chính đã được Quốc hội quyết định trong những năm còn lại của kế hoạch 5 năm, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018).

Đoàn giám sát cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan khẩn trương đánh giá tình hình thực hiện giải ngân và hiệu quả của 1.155 dự án sử dụng vốn vay ODA. Đối với những dự án chưa triển khai khi chưa xác định rõ hiệu quả thì có thể tạm dừng. Những dự án đã triển khai, cần đánh giá nửa giai đoạn thực hiện, nhận diện những vướng mắc, bất cập để kịp thời khắc phục. Rà soát, đánh giá lại các dự án đang triển khai thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, xác định lại tổng mức đầu tư trình cấp có thẩm quyền quyết định, hạn chế tối đa thiệt hại do kéo dài thời gian thực hiện dự án. Những dự án đã kết thúc, cần đánh giá toàn diện hiệu quả thực tế của dự án.

Từ đó khẩn trương triển khai các thủ tục điều chuyển vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách trung ương từ dự án giải ngân thấp sang dự án có khả năng giải ngân cao hơn theo quy định, đồng thời xây dựng định hướng huy động, đổi mới nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục