Khoảng lặng FDI Nhật Bản

(BĐT) - Kỳ vọng về một làn sóng đầu tư thứ ba từ Nhật Bản sang Việt Nam đang vơi dần, khi 2 năm qua, vốn đầu tư từ quốc gia này sang Việt Nam giảm hẳn. Đó phải chăng chỉ là khoảng lặng trước con sóng mạnh đang chờm tới?
Các dự án đầu tư của Nhật Bản thường được đánh giá cao tại Việt Nam. Ảnh: Hà Thanh
Các dự án đầu tư của Nhật Bản thường được đánh giá cao tại Việt Nam. Ảnh: Hà Thanh

Hai năm trước, khi đặt câu hỏi: “Liệu có hay không làn sóng đầu tư thứ ba từ Nhật Bản vào Việt Nam?” với ông Winson Khoo, Tổng giám đốc Công ty TNHH Murata Electronics Việt Nam, phóng viên Báo Đầu tư đã nhận được câu trả lời cũng bằng một… câu hỏi: “Tôi không hiểu tại sao bạn lại nghi ngờ điều đó?”.

“Cá nhân tôi đã chứng kiến rất nhiều công ty Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam từ 10 năm trước và nay vẫn đang tiếp tục, như Kyocera, Canon, Fuji Xerox…”, ông Winson Khoo nói.

Thực ra, điều ông Winson Khoo nói không sai. Từ đó tới nay, vẫn không ít doanh nghiệp Nhật Bản cam kết đầu tư vào Việt Nam. Aeon vào cuối tháng 10/2015, khi khai trương AeonMall Long Biên đã công bố việc sẽ đầu tư thêm một trung tâm thương mại Aeon tại TP.HCM vào năm tới và thêm một trung tâm nữa tại Hà Nội vào năm 2017. Sumitomo cách đây không lâu đã đầu tư thêm Khu công nghiệp Thăng Long thứ 3 ở Vĩnh Phúc, nhằm thu hút các nhà đầu tư thứ cấp từ Nhật Bản. Ba doanh nghiệp khác của Nhật Bản, bao gồm Mitsubishi Corporation, Mitsubishi Estate Co., Ltd. và Toshiba Corporation vẫn đang cùng Lotte (Hàn Quốc) đeo đuổi Dự án Khu phức hợp Thành phố thông minh Thủ Thiêm (TP.HCM), vốn đầu tư 2,2 tỷ USD…

Đang ở “đỉnh cao”, năm 2014, Nhật Bản bất ngờ giảm xuống vị trí thứ 4, sau Hàn Quốc, Hồng Kông và Singapore về lượng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Số liệu tổng hợp từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho biết, 11 tháng qua, các nhà đầu tư Nhật Bản đã cam kết đầu tư vào Việt Nam trên 1,7 tỷ USD. Đây thực ra cũng không hẳn là một con số tồi nếu so với các nhà đầu tư thuộc diện “chiếu dưới” trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.

Nhưng đã có một khác biệt khá lớn so với câu chuyện của thời điểm 2 năm trước. Ấy là năm 2013, tính cả vốn cấp mới và tăng thêm, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đổ vào Việt Nam hơn 5,87 tỷ USD, đứng đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư ở Việt Nam. Nếu tính lũy kế, con số này là 34,58 tỷ USD, tức là Nhật Bản vẫn giữ vững ngôi vương. Trong khi đó, Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam gần 4,3 tỷ USD trong năm đó và con số lũy kế chỉ là hơn 29 tỷ USD.

Cuộc rượt đuổi Nhật - Hàn đã bắt đầu từ đó, và khi ấy, ít ai ngờ rằng, hiện tại, Hàn Quốc đang bỏ xa Nhật Bản trong cam kết đầu tư vào Việt Nam. Từ đầu năm tới nay, Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam trên 6,39 tỷ USD, nâng tổng vốn FDI từ quốc gia này vào Việt Nam lên trên 44 tỷ USD. Trong khi đó, con số lũy kế của Nhật Bản chỉ là 39,5 tỷ USD. Nhật Bản đã nhanh chóng bị Hàn Quốc soán ngôi.

Thậm chí, đang ở “đỉnh cao”, năm 2014, Nhật Bản bất ngờ giảm xuống vị trí thứ 4, sau Hàn Quốc, Hồng Kông và Singapore về lượng vốn đầu tư vào Việt Nam trong năm đó, giảm tới 65% so với năm 2013, chỉ còn 2,05 tỷ USD, thay vì là 5,87 tỷ USD của năm 2013. Năm nay, tình hình cũng không mấy khả quan hơn.

Mặc dù vậy, khá lạc quan, ông Đặng Xuân Quang, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam giảm chỉ mang tính thời điểm.

Nếu như những năm trước đây, vốn FDI từ Nhật vào Việt Nam giảm là vì những khó khăn của kinh tế Việt Nam, thì nay, xuất phát điểm lại dường như từ phía Nhật Bản. Đó là do nhu cầu tái thiết đất nước lớn, nên Chính phủ Nhật đang kêu gọi các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư kinh doanh trong nước. Việc giảm giá đồng yên cũng đã gây khó cho doanh nghiệp Nhật đầu tư ra nước ngoài, bởi sẽ khiến chi phí vốn tăng vọt.

Một nguyên nhân nữa được Cục Đầu tư nước ngoài nhắc đến, khiến lượng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản chạm đáy, là vì lợi nhuận thị trường của các nước nhận đầu tư đang ngày càng khó khăn do gặp phải cạnh tranh từ các nhà đầu tư khác, trong đó có Hàn Quốc, EU, Mỹ. Vì thế, các doanh nghiệp Nhật Bản đang chuyển hướng tăng cường đầu tư vào Campuchia, Myanmar ở các lĩnh vực khai khoáng, dịch vụ bán lẻ…, vì đây là thị trường có mức sinh lợi cao hơn.

Các yếu tố như môi trường kinh doanh còn nhiều điểm cản trở, ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển cũng được nhấn mạnh như là một trong những nguyên nhân khiến vốn đầu tư từ Nhật Bản chững lại. Tuy nhiên, một câu chuyện cũng rất đáng lưu tâm là, cách đây ít ngày, khi các doanh nghiệp Nhật Bản tới làm việc với 8 tỉnh Quảng Trị, Phú Yên, Tuyên Quang, Long An, Cao Bằng, Ninh Thuận, Cần Thơ, Quảng Bình, các nhà lãnh đạo của các địa phương này đã lên tiếng về nguy cơ “mất cơ hội” của các nhà đầu tư Nhật Bản vì họ quá thận trọng.

“Có nhiều dự án, chúng tôi rất hy vọng các nhà đầu tư Nhật Bản tham gia, nhưng các bạn vào chậm quá”, ông Trương Hoài Nam, Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đã nói như vậy và chia sẻ rằng, có dự án, tỉnh rất mong có sự hợp tác của Nhật Bản, nhưng đối tác khác đã vào và “chiếm” rất nhanh.

Thực tế, điều này cũng đã được TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhắc tới từ lâu. Theo ông Thiên, trong khi người Nhật quá cẩn trọng, tính toán theo kiểu chậm mà chắc, thì người Hàn thường mạnh mẽ và nhanh chóng chớp thời cơ. Trong khi nhà đầu tư Nhật thường đầu tư những dự án nhỏ hơn, thì nhà đầu tư Hàn Quốc lại “xoay chuyển tình thế” bằng những dự án lớn. Sự khác biệt này đã đẩy Hàn Quốc lên vị trí đỉnh cao, còn Nhật Bản đang chịu lùi một bước.

Tuy nhiên, trong “kiềng ba chân” Hàn - Mỹ - Nhật, dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản vẫn đang được kỳ vọng rất lớn. Không chỉ vì số vốn đầu tư lớn, với các tập đoàn lớn, mà Việt Nam đang kỳ vọng các doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản đầu tư ngày càng nhiều vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ - lĩnh vực mà Việt Nam đang rất thiếu và yếu, trong khi Nhật Bản có thừa năng lực và kinh nghiệm.

Chậm mà chắc, ít mà có chất lượng và đi đúng vào trọng tâm thu hút FDI của Việt Nam, nên dòng vốn FDI từ Nhật Bản vẫn luôn được Việt Nam trông chờ.

Hơn nữa, theo dự báo, vốn FDI từ Nhật Bản sẽ vẫn chảy mạnh vào Việt Nam trong thời gian tới. Như vậy, hiện thời chỉ đang là khoảng lặng trước một cơn sóng mạnh đang chờm tới.