Các hãng sơn cố gắng giành thị phần bằng giá cạnh tranh và chiết khấu thương mại lớn. Ảnh: Mai Quân st |
Thị phần không nói lên tốc độ tăng trưởng
Bà Nguyễn Thị Lạc Huyền, Chủ tịch VIPA cho biết, ngành sơn và mực in Việt Nam đang có sự tăng trưởng tích cực và dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng 8 - 10% trong năm 2017. Ngành này đạt tổng giá trị trên 1,6 tỷ USD vào năm 2016; 7 tháng đầu năm 2017 tăng trưởng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường sơn Việt Nam có sự góp mặt của nhiều nhà sản xuất hàng đầu thế giới như Akzo Nobel, Sherwin-Williams, PPG, Dupont, Valspar, Nippon…, nhưng do sản phẩm sơn phục vụ cho nhiều loại mặt hàng khác nhau như đóng tàu, sơn phủ tôn mạ, sơn sân bay, gỗ, vỏ các loại đồ uống… mà người tiêu dùng ít biết hoặc thậm chí không biết. Đơn cử như PPG được đánh giá là lớn nhất trên thế giới đối với sản phẩm phục vụ giao thông, PPG cũng đã có mặt tại các công trình Sân bay Đà Nẵng, Sân bay Cần Thơ, Royal City… với các sản phẩm gồm sơn công nghiệp Sigma, sơn tôn mạ màu, sơn bột tĩnh điện với những khách hàng lớn thay vì khách hàng tiêu dùng thông thường nên người tiêu dùng khó có thể nhận diện thương hiệu PPG trên thị trường. Không riêng gì PPG, đến cả Akzo Nobel cũng rất ít người biết đến trong khi Dulux và Maxilitle là 2 dòng sơn cho xây dựng của hãng này lại khá quen thuộc.
Dù chia nhau 35% thị phần còn lại, gồm các nhà sản xuất trong nước và sơn “cỏ” nhưng các công ty sơn Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng khả quan. Trong vài năm gần đây, sơn Kova đạt mức tăng trưởng 20% mỗi năm, nhưng ngoài thị phần trong nước, Kova còn “mang chuông đi đánh xứ người” với dòng sơn đặc chủng như sơn chống đạn. Bà Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch HĐQT Sơn Kova xác nhận, thị trường trong nước cạnh tranh quyết liệt và không thể phủ nhận lợi thế của sơn ngoại. Dù vậy, vị trí của Kova trên thị trường cũng không đáng ngại và sơn Kova đủ sức để cạnh tranh. Ngoài Kova, Đồng Tâm và Hòa Bình cũng là 2 công ty đang cố gắng giành thị phần nội địa trên lĩnh vực sơn nước.
Nếu như ngành thép và xi măng luôn “trầy trật” với các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận thì ngành sơn dường như khỏe mạnh hơn. Doanh thu của các hãng đều tăng khả quan khi thị trường sơn Việt Nam vẫn còn dư địa lớn với lượng tiêu thụ khoảng 3 lít/người/năm, trong khi đó tại Mỹ là 20 - 22 lít, châu Âu là 15 - 16 lít, các quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông vào khoảng 13 lít. Tuy nhiên, đại đa số các hãng đều không muốn công bố rộng rãi mức doanh thu đi kèm lợi nhuận tại thị trường Việt Nam.
Cuộc chiến về giá, chiết khấu
Xác định không cạnh tranh được với các hãng lớn về quảng cáo, quảng bá sản phẩm qua các kênh truyền thông hoặc các chương trình cộng đồng với kinh phí lớn, các hãng sơn nhỏ hơn có kế hoạch giành thị phần bằng giá cạnh tranh và chiết khấu thương mại lớn. Chẳng hạn, sơn Nero tung dòng sản phẩm sơn trang trí chống thấm Nero Cement có giá thấp hơn từ 30 - 50% sơn ngoại nhưng chất lượng tương đương. Sơn TOA triển khai chiến dịch hội nghị khách hàng kèm chiết khấu thương mại đến các nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ và đội thợ xây dựng. Chiến dịch này của sơn TOA khá hiệu quả khi khởi động chương trình từ 18/5/2017 đến nay đã lan tỏa đến 20 tỉnh, thành trong cả nước.
Giảm giá cũng là một “đòn” cạnh tranh mà gần như hãng nào cũng sử dụng. Thậm chí, giảm giá sơn được xem là “khủng” nhất trong nhóm hàng vật liệu xây dựng. Mức chiết khấu từ 15 - 35% đa phần được các hãng áp dụng cho các đại lý. Ngoài ra, vào mùa xây dựng hoặc dịp Tết đến xuân về, không chỉ mạnh tay chiết khấu cho các đại lý, mà nhiều hãng còn khuyến mại mạnh đến người tiêu dùng. Đơn cử như trong tháng 8/2017, nhiều cửa hàng bán sơn Juton, sơn TOA tại TP.HCM như Công ty Bến Thành (quận Gò Vấp) đang khuyến mãi từ 35 - 45% cho khách hàng mua lẻ. Giảm giá sâu không chỉ được các hãng lớn áp dụng mà nhiều chủng loại sơn mới cũng có mức chiết khấu từ 40 - 50% so với giá niêm yết.