CMCN 4.0 đem đến cho Việt Nam cơ hội có một không hai để vượt lên và đưa nền kinh tế phát triển theo hướng mới dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ. Ảnh: Lê Tiên |
Sau gần 1 năm chuẩn bị, cuối tháng 12/2018, hình hài về một Trung tâm đổi mới sáng tạo Việt Nam (NIC) – nơi sẽ nuôi dưỡng, thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) đã được phác họa.
Gỡ điểm nghẽn trong phát triển
Sau khoảng 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng với kết quả vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, vị thế, tầm vóc của Việt Nam ngày càng được nâng tầm trên trường quốc tế và khu vực. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, nền kinh tế cũng đối diện với nhiều thách thức đặt ra trong giai đoạn tới, đó là các vấn đề về khoảng cách phát triển với các nước trên thế giới và khu vực như: Thu nhập bình quân đầu người, đói nghèo, biến đổi khí hậu, thịnh vượng quốc gia… Bên cạnh thách thức chung của toàn cầu này, Việt Nam cũng có những thách thức riêng cần vượt qua để thập niên tới có bước phát triển nhanh hơn, đột phá hơn nhưng bền vững hơn.
Vậy đâu là đột phá phát triển cho giai đoạn sắp tới? Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, CMCN 4.0 đang thay đổi một cách căn bản các ngành nghề khác nhau và đặt ra bài toán cho các quốc gia trong việc thích nghi và giải quyết các ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế. Cùng lúc đó, CMCN 4.0 cũng đem đến cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam, cơ hội có một không hai để vượt lên và đưa nền kinh tế phát triển theo hướng mới dựa trên KHCN.
Đảng và Nhà nước đã xác định Việt Nam cần có chiến lược để nhanh chóng nắm bắt cơ hội này và đưa đất nước lên tầm phát triển mới, bắt kịp các nước trong một số ngành hiện đang đi chậm hơn; đi cùng và vượt lên trong một số ngành có lợi thế. Bộ KH&ĐT được sự tin tưởng và giao phó của Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện nghiên cứu về Chiến lược quốc gia trong bối cảnh CMCN 4.0 và xây dựng NIC làm hạt nhân cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế dựa trên KHCN và ĐMST.
“Yếu kém của ngành công nghiệp hỗ trợ chúng ta nói nhiều, nhưng chỉ xoay quanh một điều, đó là trình độ KHCN đang còn hạn chế. Đây là rào cản cho các DN Việt Nam, cho khu vực tư nhân trong vấn đề năng suất lao động, kết nối với DN có vốn đầu tư nước ngoài… Để bứt phá, ngoài các động lực phát triển kinh tế là khu vực tư nhân, hội nhập… thì KHCN, ĐMST sẽ là đòn bẩy thúc đẩy phát triển bền vững bên cạnh các động lực khác”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Tận dụng cơ hội dù là nhỏ nhất của cuộc CMCN 4.0, suốt năm 2018, Bộ KH&ĐT đã chủ động tiếp cận một cách bài bản kinh nghiệm của các quốc gia đi trước trong việc xây dựng thành công NIC để áp dụng vào thực tiễn của Việt Nam giúp chúng ta có thể bắt kịp, đi cùng và vượt lên.
Đến nay, Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 của Việt Nam đang được Bộ KH&ĐT tích cực hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền, trong đó, Đề án về mô hình NIC cũng đang được tham vấn.
NIC phải tầm cỡ, hiện đại và khác biệt
Với kỳ vọng NIC phải là công cụ cạnh tranh toàn cầu về CMCN 4.0 của Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “NIC phải là một trung tâm lớn, cạnh tranh, hấp dẫn nhất trong khu vực để thu hút các nhà nghiên cứu, chuyên gia hàng đầu về KHCN, ĐMST người Việt Nam và nước ngoài về đây… Chúng ta đi sau nhưng muốn đi nhanh thì phải có sự khác biệt mới cạnh tranh được”.
Báo cáo bổ sung một số điểm nhấn về NIC do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương thuộc Bộ KH&ĐT đưa ra cũng nêu 03 mục tiêu quan trọng trong việc xây dựng NIC. Đầu tiên là, NIC thiết lập hệ sinh thái ĐMST CMCN 4.0 tầm cỡ thế giới ở Việt Nam, góp phần nâng cấp hệ thống ĐMST quốc gia một cách căn bản, đóng góp vào việc thực hiện Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0. Hai là, thí điểm một mô hình thực thi chính sách mới có tư duy sáng tạo, cải cách quản trị quốc gia nhằm hỗ trợ, thúc đẩy CMCN 4.0. Và NIC là lực lượng vật chất nuôi dưỡng và phát triển công nghệ 4.0 nội địa phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nắm bắt thời cơ, vươn lên vị trí dẫn đầu trong một số lĩnh vực của CMCN 4.0.
Về hình hài của NIC, giới thiệu của tư vấn quốc tế (Tập đoàn tư vấn Boston - BCG) đưa ra gần đây cho thấy, NIC của Việt Nam có quy mô lớn lên tới 23ha, trong đó giai đoạn 1 tập trung vào 9ha, giai đoạn 2 là 14ha, có thiết kế hiện đại, hài hòa với thiên nhiên, với phương án kiến trúc đậm đà bản sắc Việt Nam.
Dự kiến, tổng vốn đầu tư NIC là 100 triệu USD (tương đương 2.300 tỷ đồng), sẽ được đầu tư tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, bởi đây là khu công nghệ có điều kiện thuận lợi hơn so với các địa điểm khác về kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực…
Đó là về diện mạo, còn để NIC hoạt động như đúng mục tiêu đặt ra là thu hút nhân tài, nhà khoa học hàng đầu về đây, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu, NIC phải có thể chế vượt trội. Do đó, ngoài những cơ chế ưu đãi đã có đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc, căn cứ vào những đặc điểm, đặc thù của công nghệ, chúng ta cần mạnh dạn đề xuất cơ chế chính sách mới mạnh mẽ hơn, với tư duy mới để NIC thực sự hấp dẫn các nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam và thế giới.
Đón bắt cơ hội mà CMCN 4.0 dự kiến sẽ mang đến, Bộ KH&ĐT đã có sáng kiến Mạng lưới ĐMST Việt Nam nhằm huy động lực lượng nhân tài, trí thức người Việt trong và ngoài nước ở các lĩnh vực KHCN cùng chung tay đưa Việt Nam phát triển CMCN4.0, trong đó có NIC. Và tháng 8/2018 vừa qua, có hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia công nghệ tiêu biểu cho các thế hệ tài năng, trí thức người Việt đang học tập và làm việc ở nước ngoài tham gia vào mạng lưới này. Sự kiện đã đặt những viên gạch đầu tiên trong việc xây dựng nền móng vững chắc kết nối người Việt ở khắp thế giới để trở thành mạng lưới phục vụ nghiên cứu phát triển KHCN, ĐMST cho Việt Nam.
Cũng theo người đứng đầu Bộ KH&ĐT, tại NIC, khu vực tư nhân sẽ được tham gia điều hành.
Bằng sự chuẩn bị bài bản nhằm nắm bắt cơ hội của CMCN 4.0 đang mở ra như nêu trên, chúng ta tin tưởng, cuộc cách mạng này có thể giúp GDP Việt Nam tăng từ 7 - 16% và tạo thêm hàng triệu việc làm như kỳ vọng mà tư vấn BCG đã đưa ra.