Ước tính mỗi năm, Việt Nam thiếu 15 tỷ USD tài trợ cho phát triển hạ tầng. Ảnh: Lê Tiên |
Giảm áp lực cho ngân sách nhà nước
Trong hơn 3 năm thực hiện Luật PPP, có 31 dự án mới đang được triển khai thực hiện và 11 dự án đang chuẩn bị đầu tư theo phương thức PPP. Đây đều là những dự án trọng điểm, quy mô lớn của quốc gia, địa phương với tổng mức đầu tư khoảng 380.000 tỷ đồng, nhu cầu sử dụng khoảng 190.000 tỷ đồng vốn nhà nước. Các dự án PPP mới triển khai theo quy định của Luật PPP dự kiến sẽ hình thành khoảng 1.000 km đường cao tốc, 2 cảng hàng không tiêu chuẩn cấp 4C, 3 công trình xử lý chất thải rắn cấp đặc biệt, 3 nhà máy cung cấp nước sạch, góp phần mở rộng, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, kinh tế - xã hội của các địa phương.
Thời gian tới, nhu cầu vốn đầu tư là rất lớn khi Việt Nam đã lên kế hoạch triển khai nhiều dự án quy mô siêu lớn, như tiếp tục hoàn thiện mạng lưới đường cao tốc với mục tiêu 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030, siêu dự án đường sắt tốc độ cao... Nguồn lực từ ngân sách nhà nước (NSNN) được ưu tiên cho những dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm, liên vùng... và luôn sẽ có sự thiếu hụt so với nhu cầu đầu tư chung của cả nước.
Chỉ tính riêng năm 2025, theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tổng nhu cầu đầu tư vốn NSNN của các bộ, ngành, địa phương là 870.967 tỷ đồng. Trên cơ sở cân đối các nguồn lực, ngày 22/10/2024, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội phân bổ tổng mức vốn NSNN năm 2025 là 790.727 tỷ đồng. Như vậy, riêng năm 2025, nguồn vốn bố trí được so với nhu cầu đầu tư đã thiếu hụt hơn 80.000 tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu phát triển đặt ra, Nhóm công tác Cơ sở hạ tầng (Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - VBF) ước tính mỗi năm, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 15 tỷ USD tài trợ cho hạ tầng. Tài chính và tài trợ của khu vực tư nhân sẽ có vai trò thiết yếu.
PPP được nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế nhận định là phương thức cần thiết, khả thi đối với Việt Nam để huy động tài chính tư nhân từ các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng, định chế tài chính trong và ngoài nước, vừa bù đắp thiếu hụt nguồn lực, vừa bổ sung năng lực, công nghệ quản trị, xây dựng… tiên tiến của khu vực tư nhân cho phát triển hạ tầng, dịch vụ công.
Với việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật PPP tại Dự thảo Luật sửa đổi 4 luật, Chính phủ kỳ vọng sẽ tiếp tục mở hết dư địa có thể để thu hút đầu tư tư nhân, đáp ứng nhu cầu phát triển, trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro như Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh.
Theo Tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về lĩnh vực, hình thức, phương thức thực hiện dự án PPP nhằm mở rộng, đa dạng hóa các lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP. Trừ các dự án thuộc trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực hoặc dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội, dự án đầu tư theo phương thức PPP được thực hiện trong các lĩnh vực đầu tư công nhằm mục đích cung cấp sản phẩm, dịch vụ công. Đồng thời, sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật PPP theo hướng bãi bỏ hạn mức quy mô tối thiểu đối với các dự án PPP. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật bổ sung quy định tại Điều 14 để giao trách nhiệm cho bộ, ngành và địa phương trong việc lựa chọn dự án có tính khả thi, đủ điều kiện để áp dụng phương thức PPP, như có quy mô phù hợp và có khả năng tạo nguồn thu cho nhà đầu tư. Tiếp tục áp dụng loại hợp đồng BT thanh toán bằng tiền và thanh toán bằng quỹ đất theo hướng đổi mới toàn diện cách thức thực hiện và thanh toán cho nhà đầu tư, khắc phục tối đa các bất cập, vướng mắc trong việc thực hiện loại hợp đồng này.
Trước đó, trong báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi 4 Luật, Bộ KH&ĐT cho rằng, chính sách này sẽ có tác động tích cực đối với NSNN. Hiện nay, hầu hết các lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP đều đang thiếu nguồn lực để đầu tư. Do vậy, việc mở rộng lĩnh vực đầu tư theo phương thức này sẽ tháo gỡ điểm nghẽn trong thu hút nguồn lực, giảm áp lực cho NSNN. Bên cạnh đó, việc áp dụng “cơ chế phần giảm doanh thu” theo quy định của Luật PPP phải đáp ứng các điều kiện nhất định, bảo đảm tính chặt chẽ nên sẽ không dẫn đến tình trạng áp dụng tràn lan.
Củng cố niềm tin, khơi thông dòng chảy vốn
Theo nhiều nhà đầu tư, những vướng mắc liên quan đến cơ chế tài chính như nguồn vốn xử lý sụt giảm doanh thu, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án... chưa đủ hấp dẫn, khả thi là một trong những điểm khiến nhà đầu tư, nhất là bên cho vay, chưa mạnh tay đầu tư dự án PPP mới. Ngoài ra, những vướng mắc tồn đọng nhiều năm của các dự án PPP, trong đó có nhiều dự án BOT giao thông lớn, làm giảm sút niềm tin của nhà đầu tư và dòng chảy vốn bị ách tắc ở những dự án đang thua lỗ, vỡ phương án tài chính.
Để tháo gỡ những vướng mắc này, Chính phủ đề xuất sửa đổi các quy định về cơ chế tài chính đối với dự án PPP nhằm nâng cao tính khả thi, hiệu quả thực hiện dự án PPP, bảo đảm phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công. Trong đó, tỷ lệ vốn tối đa của Nhà nước tham gia dự án PPP theo hướng tiếp tục duy trì tỷ lệ vốn nhà nước ở mức 50% và áp dụng mức cao hơn 50% nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư đối với dự án PPP thuộc trường hợp được quy định tại Luật.
Dự thảo Luật cũng làm rõ trình tự, thủ tục sử dụng vốn đầu tư công để thanh toán cho nhà đầu tư trong trường hợp bồi thường, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn không phải do lỗi của nhà đầu tư; sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 82 Luật PPP liên quan chi phí xử lý cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu để tăng tính khả thi, sẵn sàng của nguồn vốn.
Nhằm xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án PPP chuyển tiếp, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 101 Luật PPP theo hướng hợp đồng dự án được ký kết trước ngày Luật này có hiệu lực được tiếp tục thực hiện theo quy định của hợp đồng dự án. Trường hợp pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng dự án không có quy định mà cần sửa đổi, bổ sung hợp đồng thì các bên được thỏa thuận để sửa đổi, bổ sung hợp đồng về việc áp dụng quy định của Luật này và pháp luật có liên quan có hiệu lực tại thời điểm sửa đổi, bổ sung hợp đồng.
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, một số nhà đầu tư đang có dự án PPP bị vướng mắc đánh giá rất cao, trông đợi những quy định mới sẽ được thông qua, giúp dự án được áp dụng những chính sách tốt của Luật, tránh nguy cơ đổ vỡ. Từ đó, sức khỏe tài chính của nhà đầu tư có khả năng phục hồi, có nguồn lực và niềm tin để tiếp tục tham gia đầu tư dự án PPP mới.