Khơi thông nguồn lực cho phát triển trong bối cảnh mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo chương trình dự kiến, ngày 17/5/2025, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (gọi tắt là Luật sửa 7 Luật).
Nhiều quy định mới được đề xuất để đẩy mạnh thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân vào lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều quy định mới được đề xuất để đẩy mạnh thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân vào lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Ảnh: Lê Tiên

Việc sửa đổi, bổ sung 7 luật này được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ chế mới góp phần thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST), huy động, giải phóng mọi nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thúc đẩy đầu tư khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo

Tại Nghị quyết số 57-NQ/TW, Bộ Chính trị yêu cầu phải có cơ chế khuyến khích mua sắm công đối với các sản phẩm, hàng hóa là kết quả nghiên cứu khoa học do doanh nghiệp trong nước tạo ra để tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, khuyến khích, phát triển KHCN, ĐMST, chuyển đổi số quốc gia.

Theo nhiều doanh nghiệp KHCN, khởi nghiệp, ĐMST, việc tham gia vào những gói thầu sử dụng vốn nhà nước hay các dự án PPP vẫn còn gặp vướng mắc liên quan đến đánh giá năng lực, kinh nghiệm, phương pháp đánh giá... Một số ưu đãi dù đã được quy định tại Luật Đấu thầu nhưng chưa đủ mạnh và chưa dễ thực thi. Doanh nghiệp kỳ vọng Nhà nước phát huy tốt hơn vai trò “bà đỡ” thông qua tạo điều kiện thuận lợi hơn để mở rộng cơ hội cho doanh nghiệp KHCN tham gia vào gói thầu sử dụng vốn nhà nước, dự án đầu tư theo phương thức PPP...

Tại Dự thảo Luật sửa 7 Luật, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, với nhiều chính sách để hỗ trợ phát triển KHCN, ĐMST, chuyển đổi số, như bổ sung thêm đối tượng ưu đãi trong đấu thầu, ưu tiên không phải đáp ứng về tư cách hợp lệ, hợp đồng tương tự, doanh thu…; sửa đổi phương thức đánh giá hồ sơ dự thầu, về đấu thầu trong nước, đấu thầu quốc tế trong lĩnh vực phát triển KHCN, ĐMST và chuyển đổi số. Các sửa đổi này vừa khuyến khích doanh nghiệp trong lĩnh vực KHCN, ĐMST tham gia đấu thầu, vừa giúp Nhà nước có thể mua sắm, đầu tư được công nghệ mới, công nghệ cao, thúc đẩy chuyển giao công nghệ.... thông qua đấu thầu.

Luật PPP cũng được sửa đổi, bổ sung với nhiều quy định mới để đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực KHCN, ĐMST, từ quy định về hình thức lựa chọn nhà đầu tư; phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu; cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi, bảo đảm của Nhà nước... Các sửa đổi đều hướng tới tạo điều kiện thuận lợi, hấp dẫn hơn để thúc đẩy sự tham gia của nhà đầu tư; phù hợp với đặc điểm của đầu tư trong lĩnh vực KHCN, ĐMST vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro, cần những chính sách ưu đãi ưu việt hơn...

Dự án Luật sửa 7 Luật cũng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan về điều kiện áp dụng và chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp công nghiệp bán dẫn, doanh nghiệp công nghệ. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, trong đó mở rộng phạm vi miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để phát triển KHCN, ĐMST, chuyển đổi số; hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư để phát triển KHCN, ĐMST, chuyển đổi số; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất của tổ chức KHCN, ĐMST, chuyển đổi số; hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ số. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để phù hợp với đặc thù của việc quản lý, sử dụng tài sản theo pháp luật KHCN…

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung nhiều quy định của Luật Đầu tư về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; về thành lập tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư; thủ tục đầu tư đặc biệt và tăng thời hạn hoạt động của các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghệ cao, khu công nghệ số tập trung, khu công nghiệp công nghệ cao và việc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư. Qua đó, tăng ưu đãi, thủ tục đầu tư thuận lợi hơn đối với các dự án ĐMST, công nghệ cao, công nghệ chiến lược..

Nhiều trình tự, thủ tục hành chính được đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình, dự án đầu tư công. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều trình tự, thủ tục hành chính được đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình, dự án đầu tư công. Ảnh: Lê Tiên

Đơn giản thủ tục, đột phá về phân cấp, phân quyền

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng Dự án Luật sửa 7 Luật tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ, phân cấp, phân quyền và cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, tài chính, ngân sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Sự đột phá trong phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính thể hiện rất rõ trong sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công. Cơ quan soạn thảo đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa trình tự, thủ tục, giảm bớt các trường hợp phải thực hiện trình tự, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư. Đơn giản hóa, đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thẩm định và phê duyệt chương trình, dự án. Tiếp tục phân cấp thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trong việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hàng năm vốn ngân sách trung ương giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, phân cấp thẩm quyền của HĐND các cấp trong việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hằng năm vốn ngân sách địa phương giữa các đơn vị sử dụng ngân sách; phân cấp thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương…

Đối với Luật Đấu thầu, cơ quan soạn thảo đề xuất những sửa đổi mang tính đột phá về hoạt động đấu thầu của doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tăng tính linh hoạt của doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính; bổ sung quy định để tạo cơ chế chủ động cho chủ đầu tư trong việc áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu; mở rộng hình thức chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu và nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt; đơn giản quy trình chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp; bãi bỏ vai trò của bên mời thầu để giảm bớt bước trung gian; phân cấp cho Chính phủ quy định các trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh. Theo đánh giá của nhiều địa phương, đây đều là những thay đổi có tinh thần phân cấp rất mạnh mẽ, triệt để.

Trước đó, thẩm tra sơ bộ Dự án Luật trình UBTVQH, Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các luật và cho rằng, Dự thảo Luật có phạm vi sửa đổi khá rộng. Bên cạnh việc bổ sung các quy định liên quan đến thể chế hóa kịp thời, hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW, xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh do sắp xếp bộ máy liên quan chính quyền địa phương 2 cấp thì Dự thảo Luật bổ sung quy định tăng cường phân cấp, phân quyền; nhiều nội dung lớn có tác động đến công tác quản lý nhà nước và doanh nghiệp như: chính sách ưu đãi thuế, quy trình, thủ tục hành chính, thủ tục trong đấu thầu, đầu tư, đầu tư công...

Luật Đầu tư được sửa đổi, bổ sung nhiều điều theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết hồ sơ, nội dung, trình tự, thủ tục thẩm định chủ trương dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, UBND cấp tỉnh, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng quy định tại Điều 31 Luật Đầu tư cho UBND cấp tỉnh đối với 7 nhóm dự án…

Tin cùng chuyên mục