Một số chủ đầu tư không chấp hành nghiêm các quy định khi xây dựng dự án thủy điện, gây ảnh hưởng xấu tới môi trường. Ảnh: Hoàng Hiệp |
Thực trạng đầu tư các dự án thủy điện hiện nay ra sao, thưa ông?
Đa số các dự án thủy điện đã đầu tư xây dựng là những dự án tốt, mang lại hiệu quả kinh tế, các nhà đầu tư đều có lãi. Việc triển khai các dự án thủy điện tạm thời được đánh giá là không ảnh hưởng gì đến môi trường. Hiện chủ đầu tư nhiều dự án thủy điện đã tiến hành trồng lại các rừng cây đã chặt. Đối với những dự án chưa thực hiện trồng lại rừng, chưa có quan trắc, chưa có quy trình xử lý hồ đập đã được yêu cầu bắt buộc phải thực hiện theo quy định. Đặc biệt, chủ đầu tư các dự án này phải liên hệ chặt chẽ với các sở (Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và các địa phương để giám sát theo dõi vận hành thủy điện một cách chặt chẽ, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du, nhất là trong mùa mưa lũ.
Đúng là như vậy. Trước đây, có một giai đoạn các địa phương ồ ạt cấp phép cho các dự án thủy điện theo kiểu “nhà nhà làm thủy điện”. Trong quá trình này, một số chủ đầu tư không chấp hành nghiêm túc các quy định trong xây dựng dự án thủy điện, không tiến hành trồng lại rừng, thậm chí cấu kết với lâm tặc phá hoại rừng, gây ảnh hưởng xấu tới môi trường. Nhưng đến nay những bất cập này cơ bản đã được chủ đầu tư khắc phục.
Thời gian tới, theo yêu cầu của Bộ Công Thương, những dự án thủy điện nằm trong số hơn 400 dự án bị loại ra khỏi quy hoạch, không có tính khả thi, không hiệu quả, nằm sâu trong rừng, đặc biệt là nằm vào rừng lõi quốc gia, sẽ tuyệt đối không được triển khai. Ngoài ra, những dự án gây tác hại đến môi trường (chặt cây cối nhiều), không tuân thủ đúng quy định trong công tác khảo sát thiết kế, lập bản vẽ thi công, thi công cũng sẽ không được thực hiện.
Để đánh giá thực trạng phát triển các dự án thủy điện nhỏ và vừa thời gian qua, dự kiến vào tháng 6 tới đây, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức một hội nghị để bàn về vấn đề này. Hội nghị sẽ lắng nghe ý kiến của các cơ quan quản lý, đặc biệt là các doanh nghiệp làm thủy điện, để nhìn nhận lại những tồn tại, từ đó đề xuất giải pháp khắc phục. Những dự án nào có hiệu quả sẽ đề nghị cơ quan chức năng cho thực hiện. Tuy nhiên, công tác lập quy hoạch, kế hoạch cũng như công nghệ sử dụng tại các nhà máy phải được xem xét cẩn trọng.
Còn đối với các dự án thủy điện đang thực hiện dở dang thì sao, thưa ông?
Những dự án dở dang thực tế chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Tín hiệu tích cực là đa số các dự án này đều đã được cấp phép. Điển hình như Dự án Thủy điện La Ngâu có công suất 36 MW, nằm trên sông La Ngà. Tại dự án này, trước đó nhà đầu tư đã đầu tư 200 tỷ đồng vào dự án nhưng bị đình lại do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn muốn làm rõ dự án có ảnh hưởng tới hồ thủy lợi La Ngà hay không. Khi đã xác định được dự án không gây ảnh hưởng đến hồ thủy lợi La Ngà, Chính phủ cấp phép đầu tư.
Công nghệ sử dụng tại các dự án điện cũng là vấn đề gây bức xúc trong dư luận trong thời gian qua. Vậy thực tế công nghệ sử dụng ở những dự án thủy điện hiện nay như thế nào?
Tôi khẳng định công nghệ không có vấn đề gì. Đến nay, 60% thiết bị, máy móc sử dụng tại các dự án thủy điện của Việt Nam như: Sơn La, Lai Châu, Bản Chát - Huội Quảng… đều do doanh nghiệp Việt Nam chế tạo. Việt Nam chỉ mua một số ít thiết bị từ thị trường nước ngoài như tua bin, máy phát.