Khu vực tư nhân cần sân chơi bình đẳng

(BĐT) - Doanh nghiệp tư nhân cho đến nay vẫn chưa được cạnh tranh bình đẳng về thị trường, về quyền tài sản, tiếp cận các nguồn lực… Và chừng nào sân chơi còn thiên lệch, thì sẽ vẫn còn rất nhiều rào cản để khu vực kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực tăng trưởng mới.
Kinh nghiệm từ nhiều nước trong phát triển khu vực tư nhân là phải đảm bảo nguyên tắc sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Ảnh: Lê Tiên
Kinh nghiệm từ nhiều nước trong phát triển khu vực tư nhân là phải đảm bảo nguyên tắc sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Ảnh: Lê Tiên

20 năm khó khăn vẫn chồng chất

Báo cáo Việt Nam 2035 chỉ ra hạn chế chính đối với cạnh tranh tại Việt Nam là vị trí thống lĩnh của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trên nhiều thị trường. Ở Việt Nam, DNNN có mặt gần như ở mọi nơi, bao gồm cả trong các lĩnh vực như sản xuất hàng may mặc, dịch vụ điện thoại di động, ngân hàng…, trong đó có những lĩnh vực mà doanh nghiệp tư nhân có thể làm tốt hơn DNNN.

Các quy định về các dịch vụ mạng lưới hạ tầng quan trọng như điện và vận tải tiếp tục cản trở sự cạnh tranh của khu vực tư nhân. Vị trí của Tập đoàn Điện lực Việt Nam là một ví dụ. Với tư cách là người mua điện duy nhất ở cấp bán buôn, kết hợp với quy định về giá đã gây nên môi trường không thuận lợi đối với khu vực tư nhân.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét, cho đến nay sự phân biệt đối xử với khu vực tư nhân trong nước vẫn còn khá nặng nề, đặc biệt là tiếp cận nguồn lực và quyền kinh doanh, từ đó làm hiệu suất của doanh nghiệp tư nhân thấp và càng suy giảm hơn. Ngoài ra, tình trạng thân hữu không chỉ giữa các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn với chính quyền, mà cả ở nhóm DNNN, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng cản trở sự tiếp cận bình đẳng của doanh nghiệp tư nhân.

Bà Phạm Chi Lan cho rằng, nhìn lại những vấn đề mà doanh nghiệp đặt ra trong cuộc đối thoại vừa qua với Thủ tướng Chính phủ, so với 20 năm trước, gần như còn nguyên, vẫn những bức xúc về đất đai, tín dụng, chính sách thuế, nhũng nhiễu, tham nhũng. “Thậm chí, vấn đề hiện nay còn phức tạp hơn, khi quy mô tham nhũng lớn hơn rất nhiều, chi phí đầu vào đối với các doanh nghiệp tăng, chi phí tuân thủ pháp luật cao hơn rất nhiều, chiếm tới 39% lợi nhuận doanh nghiệp…”, bà Lan dẫn chứng.

Doanh nghiệp tư nhân vẫn rất khó khăn trong khởi sự kinh doanh, trong gia nhập các chuỗi giá trị. Đặc biệt, doanh nghiệp luôn trong tình trạng “thiếu niềm tin” và lo lắng về bảo đảm quyền tài sản, nhất là liên quan tới tính bảo đảm và khả năng có thể giao dịch của quyền sử dụng đất. Nhà nước có thể thu hồi đất của người sử dụng tư nhân với lý do chung chung là phục vụ “lợi ích công cộng”.

Nguyên tắc sân chơi bình đẳng

Kinh nghiệm từ nhiều nước trong phát triển khu vực tư nhân là phải đảm bảo nguyên tắc sân chơi bình đẳng giữa DNNN và doanh nghiệp tư nhân. DNNN phi thương mại theo đuổi chính sách công, không cạnh tranh với doanh nghiệp tư nhân; còn các DNNN hoàn toàn hoặc chủ yếu tham gia hoạt động thương mại phải được đối xử như doanh nghiệp tư nhân. DNNN theo đuổi cả mục đích phi thương mại và thương mại phải tách ra thành hai mảng riêng, không được lấy mảng phi thương mại bù lỗ cho mảng thương mại. Nhà nước không được dành cho DNNN những ưu đãi làm suy yếu khả năng tồn tại của các công ty tư nhân trong nước.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển khu vực kinh tế tư nhân tại Hội thảo Quản trị kinh tế hướng tới một Nhà nước kiến tạo vừa diễn ra, chuyên gia quốc tế Mariusz Haladyi cho biết, tại Ba Lan, để phát triển khu vực tư nhân, các doanh nghiệp nhỏ được quan tâm đặc biệt với chế độ thuế giản lược, nghĩa vụ về kế toán được đơn giản hóa, giảm đóng góp xã hội trong giai đoạn mới thành lập (2 năm) và chế độ quản lý nhà nước nhẹ hơn.

Một chuyên gia quốc tế khác cho biết, Malaysia có Tổ công tác đặc biệt về tạo thuận lợi kinh doanh, chú trọng giải quyết 10 lĩnh vực trọng tâm là khởi nghiệp kinh doanh, xử lý giấy phép xây dựng, tiếp cận điện, đăng ký tài sản, tiếp cận tín dụng, nộp thuế, mậu biên, thực thi hiệu lực hợp đồng, xử lý tình trạng mất khả năng thanh toán và thị trường lao động. Malaysia đã thành công trong việc giảm gánh nặng pháp quy không cần thiết đối với doanh nghiệp.