Khung giá phát điện tái tạo: Nhà đầu tư kêu EVN xây quá thấp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ Công Thương đang tiến hành thẩm định khung giá phát điện của nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng dựa trên thông số được các chủ đầu tư nhà máy điện cung cấp. Theo một số nhà đầu tư lĩnh vực này, khung giá cần được nghiên cứu kỹ lưỡng bởi bản dự thảo có tính khả thi không cao, đẩy rủi ro về phía nhà đầu tư.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiến nghị áp dụng khung giá phát điện của từng loại hình là giá trị nhỏ nhất trong các kết quả tính toán. Ảnh: Bùi Văn Thịnh
Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiến nghị áp dụng khung giá phát điện của từng loại hình là giá trị nhỏ nhất trong các kết quả tính toán. Ảnh: Bùi Văn Thịnh

Đề xuất 4 phương án khung giá phát điện

EVN sử dụng dữ liệu từ 208 nhà máy điện để tính toán khung giá phát điện cho các nhà máy điện tái tạo chuyển tiếp với 4 phương án được đề xuất.

Tại phương án 1, EVN tính toán khung giá phát điện đối với các nhà máy dựa trên suất đầu tư; tỷ lệ vốn vay ngoại tệ/nội tệ; lãi suất vốn vay ngoại tệ/nội tệ; thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và điện năng giao nhận bình quân. Giá phát điện với nhà máy điện mặt trời (NMĐMT) mặt đất bình quân khoảng 1.482,74 đồng/kWh; NMĐMT nổi là 1.740,84 đồng/kWh; nhà máy điện gió (NMĐG) trên bờ là 1.590,88 đồng/kWh, trên biển là 1.971,12 đồng/kWh.

Phương án 2, EVN tính toán với thông số đầu vào tương tự phương án 1, trừ suất đầu tư tương ứng với từng loại hình được xác định bằng bình quân suất đầu tư tính toán của các nhà máy điện tương ứng. Theo đó, giá phát điện với NMĐMT mặt đất là 1.508,39 đồng/kWh; NMĐMT nổi là 1.569,83 đồng/kWh; NMĐG trong đất liền là 1.597,55 đồng/kWh; NMĐG trên biển là 1.944,91 đồng/kWh.

Phương án 3, EVN tính toán với thông số đầu vào tương tự phương án 1, trừ suất đầu tư và sản lượng điện được giả định biến thiên và được xác định là giá trị do chủ đầu tư cung cấp gần nhất với giá trị kỳ vọng. Theo đó, giá phát điện với NMĐMT mặt đất là 1.508,76 đồng/kWh; NMĐMT nổi không đủ dữ liệu tính toán; NMĐG trên bờ là 1.630,21 đồng/kWh và trên biển là 1.973,99 đồng/kWh.

Phương án 4, EVN tính toán giá phát điện NMĐMT Phước Thái 2, 3 với suất đầu tư được cập nhật giá trị tổng mức đầu tư sau đấu thầu và giá trị chi phí chia sẻ trạm biến áp 220kV của 3 NMĐMT Phước Thái 1, 2, 3. Kết quả, giá phát điện NMĐMT Phước Thái 2 là 1.187,96 đồng/kWh, NMĐMT Phước Thái 3 là 1.251,66 đồng/kWh.

Từ 4 phương án tính toán, EVN kiến nghị áp dụng khung giá phát điện của từng loại hình là giá trị nhỏ nhất trong các kết quả tính toán. Theo đó, khung giá phát điện tương ứng với NMĐMT mặt đất là 1.187,96 đồng/kWh; NMĐMT nổi 1.569,83 đồng/kWh; NMĐG trong đất liền 1.590,88 đồng/kWh; NMĐG trên biển là 1.944,91 đồng/kWh.

Nhà đầu tư băn khoăn, lo ngại

Ông Hồ Tá Tín, Chủ tịch HĐQT HBRE Group nhận xét, khung giá phát điện cho các dự án điện mặt trời và điện gió chuyển tiếp như đề xuất là thấp hơn mặt bằng chung của thị trường. Nếu tính toán với mức giá thấp như vậy (tương đương khoảng 6,5 cent/kWh, giảm gần 30% so với giá FIT áp dụng vừa qua là khoảng 8,5 cent/kWh) thì các nhà đầu tư lĩnh vực này sẽ rất khó khăn, khó thực hiện được dự án, thậm chí khả năng phá sản rất cao.

Ông Tín cho rằng, EVN nên tính lại khung giá phát điện cho loại hình nhà máy điện tái tạo chuyển tiếp. Cụ thể, nên đưa ra một mức giá trung bình giữa mức giá 6,5 cent/kWh và 8,5 cent/kWh như khoảng 7,5 cent/kWh nhằm tạo sự hợp lý và công bằng cho tất cả các bên.

Cũng theo ông Tín, tại khung giá phát điện đề xuất, EVN không đề cập rõ ràng về lộ trình mua điện của các nhà máy trong khi hầu hết các dự án phải sử dụng vốn vay để đầu tư. Điều này có thể gây khó khăn cho nhà đầu tư trong việc tìm kiếm nguồn vốn để phát triển dự án…

“EVN không nên đề xuất khung giá mà nên chốt bằng mức giá bán điện trung bình của các dự án đã sản xuất điện nhằm đảm bảo chi phí cho các dự án của nhà đầu tư, Chính phủ cũng không phải mua điện với giá cao. Giá phát điện với NMĐG trên bờ có thể từ 7 - 7,5 cent/kWh, còn NMĐG trên biển có thể 9 - 9,5 cent/kWh nhằm hợp lý về mặt chi phí”, ông Tín gợi ý.

Đại diện Công ty CP Điện gió Nam Bình 1 cho rằng, nếu khung giá phát điện EVN đề xuất được áp dụng ở thời điểm trước đây (trước khi xảy ra dịch Covid-19, xung đột quân sự Nga - Ukraine… ) thì phù hợp, nhưng ở thời điểm hiện nay thì ngược lại. Lý do là hiện nay có quá nhiều yếu tố bất lợi tác động lên dòng tài chính của nhà đầu tư, nếu áp dụng khung giá phát điện thấp như đề xuất thì nhà đầu tư sẽ thiệt thòi.

Về vấn đề này, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Điện mặt trời Bình Thuận cho rằng, EVN đề xuất mức giá mua thấp là phù hợp, nhưng lại không đúng thực tế, nên nếu khung giá này được phê duyệt sẽ thiệt thòi cho các nhà đầu tư. “Với mức giá EVN đề xuất, các dự án trễ mốc thời gian vận hành thương mại sẽ thiệt thòi quá lớn so với các dự án kịp tiến độ khi giá giảm khoảng 25%. Đó là chưa kể các dự án một năm nay phải nằm đắp chiếu, không được khai thác”, ông Thịnh bày tỏ.

Ông Thịnh nhấn mạnh, việc phát triển năng lượng tái tạo không chỉ phụ thuộc vào con số công suất được phê duyệt trong quy hoạch, mà phụ thuộc nhiều hơn vào chính sách, trong đó quan trọng nhất là giá bán cho EVN. Với mức giá bán này, năng lượng tái tạo sẽ khó phát triển.

Tin cùng chuyên mục