Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và ngài Yoshihiko Nakagaki. Ảnh: VGP |
Ông Yoshihiko Nakagaki cũng đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Văn hóa kinh tế Nhật-Việt của Hội đồng thúc đẩy ngoại giao nhân dân Nhật Bản (FEC).
Cùng dự buổi tiếp có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio; ông Yamaguchi Norio, Phó Chủ tịch FEC, Cố vấn đặc biệt, nguyên Chủ tịch Công ty cổ phần Ajinomoto; ông Yushita Hiroyuki, Giám đốc điều hành FEC kiêm cố vấn Ủy ban Kinh tế văn hóa Nhật -Việt, nguyên Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam và Philippines.
Về phía Việt Nam có lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao.
Hội đồng thúc đẩy ngoại giao nhân dân Nhật Bản (FEC) là một tổ chức phi lợi nhuận - phi chính phủ, được thành lập từ năm 1983. Mục đích của FEC là vì hòa bình và thịnh vượng của thế giới, thông qua các chương trình giao lưu văn hóa, kinh tế cũng như các hoạt động nghiên cứu về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa... của các nước, tăng cường sự tương tác giữa Chính phủ và nhân dân Nhật Bản về chính sách ngoại giao Nhật Bản, đồng thời thúc đẩy giao lưu giữa Nhật Bản với nước ngoài.
Hiện FEC có khoảng 1.000 thành viên là các tập đoàn, các công ty và nhiều nhân vật có ảnh hưởng trong các giới chính trị, kinh tế, tài chính và công chúng Nhật Bản. Hằng năm, FEC cử đoàn sang Việt Nam tìm hiểu thị trường, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại.
Phát biểu tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng bày tỏ vui mừng khi quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản phát triển ngày càng mạnh mẽ, toàn diện và thực chất trên mọi lĩnh vực với sự tin cậy chính trị không ngừng được nâng cao. Giao lưu và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước được duy trì thường xuyên. Đặc biệt, việc hai nước ra Tuyên bố chung về việc làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng đã tạo dấu mốc và động lực mới, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa trong thời gian tới.
Về kinh tế, Nhật Bản tiếp tục là đối tác hàng đầu của Việt Nam khi là nước cung cấp ODA lớn nhất, là đối tác đầu tư trực tiếp thứ 2, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam rất có uy tín và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng hoan nghênh ông Yoshihiko Nakagaki và các doanh nghiệp thành viên của FEC hằng năm đều tổ chức đoàn đến thăm, tìm hiểu về chính sách phát triển kinh tế và thu hút doanh nghiệp Nhật Bản của Việt Nam, cũng như trao đổi ý kiến để thúc đẩy hơn nữa hợp tác đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản.
“Việt Nam đánh giá cao vai trò của khu vực tư nhân Nhật Bản trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước. Bên cạnh các công ty, tập đoàn lớn, chúng tôi hoan nghênh các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam”, Phó Thủ tướng nói.
Ông Yoshihiko Nakagaki cho biết, liên tục trong 7 năm qua, ông đều dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của FEC sang thăm, làm việc tại Việt Nam, qua đó chứng kiến sự phát triển ấn tượng về mọi mặt kinh tế-xã hội.
“Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu rất ấn tượng trong phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua. Nền kinh tế liên tục tăng trưởng ổn định trong thời gian dài, thu nhập và chất lượng đời sống của người dân tăng nhanh, cộng đồng doanh nghiệp có bước phát triển vượt bậc”, Phó Chủ tịch FEC nói.
Theo ông Yoshihiko Nakagaki, trong thời gian tới, khi nền kinh tế Việt Nam bước vào giao đoạn phát triển tiếp theo, quy mô nền kinh tế ngày càng lớn, do đó sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn hơn, phức tạp hơn. “Đây là giai đoạn Việt Nam không chỉ cần quan tâm phát triển về “lượng” của nền kinh tế, mà cần xác định những lĩnh vực trọng điểm để ưu tiên phát triển lâu dài”.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tặng ông Yoshihiko Nakagaki bức tranh tem về phong cảnh Việt Nam. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng tình với cách đặt vấn đề của ông Yoshihiko Nakagaki, đồng thời trao đổi sâu về những lĩnh vực Việt Nam ưu tiên phát triển cũng như định hướng chiến lược trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bảo đảm phát triển bền vững nền kinh tế.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các thành viên cấp cao FEC cũng nhất trí cho rằng, trong thời gian tới, giữa hai nước còn nhiều tiềm năng để tăng cường hợp tác kinh tế. Những tiến triển trong quá trình liên kết kinh tế khu vực như Cộng đồng ASEAN đã được thành lập và đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đang được thúc đẩy… sẽ mang lại nhiều cơ hội mới trong hợp tác kinh tế trong thời gian tới.
Trên cơ sở đó, Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tranh thủ những cơ hội mới, tăng cường đầu tư vào Việt Nam, nhất là các ngành ưu tiên trong Chiến lược công nghiệp hóa, năng lượng, công nghiệp hỗ trợ, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ và hỗ trợ đào tạo nhân lực. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm hơn nữa đến nông nghiệp sạch công nghệ cao, lĩnh vực còn nhiều tiềm năng hợp tác.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh quyết tâm tiếp tục nỗ lực triển khai mạnh mẽ các biện pháp hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, chính sách… để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh ổn định và thông thoáng hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản.