Việt Nam đang là cứ điểm sản xuất của nhiều “ông lớn” ngành công nghiệp bán dẫn thế giới như Intel; Foxconn; LG; Samsung, Marvell… Ảnh: Lê Tiên |
Khát nguồn nhân lực chất lượng cao
Nhà máy Amkor Technology Việt Nam, nhà máy bán dẫn lớn nhất và hiện đại nhất của Amkor trên toàn cầu tại tỉnh Bắc Ninh vừa được khánh thành. Theo đại diện Amkor, Nhà máy có tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD sẽ tạo thuận lợi cho việc hình thành và phát triển hệ sinh thái bán dẫn ở Việt Nam; đồng thời tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động.
Theo nghiên cứu của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Đông Nam Á (SEMI), thị trường bán dẫn toàn cầu sẽ tăng trưởng 2 con số trong những năm tới để đạt tới 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam là rất lớn, nhất là trong giai đoạn 2022 - 2027.
Thực tế cho thấy, Việt Nam đang là cứ điểm sản xuất của nhiều “ông lớn” ngành công nghiệp bán dẫn thế giới như Intel; Foxconn; LG; Samsung, Marvell và mới nhất là Amkor, chọn Bắc Ninh làm “đại bản doanh”. Nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đã tham gia vào lĩnh vực này như Viettel; FPT… Đây là những cơ sở quan trọng để ngành bán dẫn trong nước tham gia kết nối, đồng thời thực hiện chuyển giao công nghệ. Sự xuất hiện của các tên tuổi lớn quốc tế cũng là cơ hôi để doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Tuy vậy, theo đánh giá, Việt Nam đang có một số thách thức để khai mở tiềm năng, cơ hội của ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó thách thức lớn nhất là thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Lê Quang Đạm, Tổng giám đốc Marvell Việt Nam cho rằng, việc phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng là một trong những thách thức lớn nhất để Việt Nam có thể khai thác “cơ hội vàng” phát triển ngành bán dẫn. Theo ông Đạm, 5 - 10 năm tới, nhu cầu nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ ngày càng tăng. Tuy nhiên, thực tế, nguồn nhân lực cho lĩnh vực bán dẫn đang bị thiếu hụt, đồng thời còn hạn chế về kỹ năng mềm, kỹ năng trao đổi thông tin.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin, công nghệ số của Việt Nam khoảng 150.000 kỹ sư/năm, nhưng hiện mới đáp ứng được 40 - 50%. Trong đó, nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là 5.000 - 10.000 kỹ sư/năm, song khả năng đáp ứng chưa đến 20%. Việt Nam chưa có chiến lược, đề án quốc gia về phát triển nhân lực vi mạch bán dẫn; các trường đào tạo chủ yếu mới có kế hoạch xây dựng chuyên ngành đào tạo cho vi mạch bán dẫn…
Trong 5 - 10 năm tới, nhu cầu nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn sẽ ngày càng tăng. Ảnh: Tuấn Anh |
Khai mở tiềm năng
Để đón nhận và phát triển một cách hiệu quả ngành công nghiệp bán dẫn, góp phần tạo đột phá đưa Việt Nam bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong cuộc cách mạng số, tại Nghị quyết số 124/NQ-CP ban hành tháng 8/2023, Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030. Trong đó, dự kiến đào tạo khoảng 30.000 - 50.000 nhân lực, chuyên gia cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Thông tin về việc xây dựng Đề án tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh, đào tạo nguồn nhân lực là nền tảng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, để đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công nghiệp bán dẫn đòi hỏi sự hợp tác của ba đối tác hết sức quan trọng. Đầu tiên là Nhà nước. Nhà nước cần có cơ chế tạo điều kiện cho các trường đại học, các viện đào tạo số lượng sinh viên đủ để phục vụ trong ngành công nghiệp bán dẫn. Hiện nay chúng ta vẫn còn thiếu hụt lực lượng này. Thứ hai là các viện và trường đại học. Phải có một kế hoạch dài hơi là mở thêm các khoa, phòng đào tạo. Đồng thời thuê hoặc hợp tác với các trường trên thế giới để có nguồn giáo viên về công nghiệp bán dẫn. Nhóm đối tác thứ ba hết sức quan trọng, nếu không đào tạo sẽ lãng phí, không sử dụng được, đó chính là doanh nghiệp công nghiệp bán dẫn.
Theo ông Lê Quang Đạm, thời gian qua, một số doanh nghiệp ngành bán dẫn sở hữu công nghệ tối tân nhất đã chuyển tới Việt Nam. Họ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực và Marvell không phải là ngoại lệ. Hiện Marvell đã có kế hoạch dài hơi trong hỗ trợ đào tạo lực lượng lao động cho ngành bán dẫn Việt Nam.
Ông Đặng Tấn Đức, Giám đốc Khu công nghiệp khoa học và công nghệ, Công ty Becamex IDC cho biết, Việt Nam đã có những sự chuẩn bị để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Chẳng hạn, Becamex cũng đã đầu tư trường đại học và có hợp tác với các trường đại học quốc tế để đào tạo đội ngũ kỹ sư chất lượng cao. Đồng thời, Becamex xây dựng vườn ươm thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo ngành công nghiệp bán dẫn…
Trong khuôn khổ chuyến công tác Hoa Kỳ của lãnh đạo Chính phủ mới đây, đại diện Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký kết hàng loạt biên bản hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ và trường đại học hàng đầu của Mỹ như: Đại học Bang Arizona, Cadence hay Synopsys - công ty dẫn đầu toàn cầu về điện tử và bán dẫn của Hoa Kỳ..., nhằm hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm chip bán dẫn cũng như đào tạo nhân lực.
Dự kiến, cuối tháng 10/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ khánh thành cơ sở của NIC tại Hòa Lạc và tổ chức Triển lãm đổi mới sáng tạo Việt Nam. Diễn biến này tạo cơ hội quan trọng để Việt Nam thúc đẩy kết nối, trao đổi, hợp tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khai mở cơ hội phát triển nhiều ngành nghề, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn.