Kiểm soát tốt sẽ bớt lo lạm phát

(BĐT) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm mạnh trong tháng 3 nhưng tính chung cả quý I, CPI đã tăng vượt mức mục tiêu của Chính phủ. Lạm phát năm 2020 đang chịu sức ép từ nhiều yếu tố. Tuy nhiên, nếu giá cả các mặt hàng thiết yếu được kiểm soát tốt thì nhiều khả năng vẫn hoàn thành mục tiêu đã đặt ra.
Các chuyên gia cho rằng, nhóm giao thông sẽ là yếu tố hỗ trợ CPI trong quý II. Ảnh: Lê Tiên
Các chuyên gia cho rằng, nhóm giao thông sẽ là yếu tố hỗ trợ CPI trong quý II. Ảnh: Lê Tiên

CPI tháng 3 giảm 0,72% so với tháng trước nhưng CPI bình quân quý I/2020 đã tăng đến 5,56% so với cùng kỳ năm 2019, ghi nhận mức tăng bình quân quý I cao nhất trong 5 năm, giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, CPI bình quân quý I tăng cao cơ bản do giá thịt lợn tăng từ tháng 12/2019 đến nay. Phân tích về diễn biến này, Báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam quý II/2020 vừa được Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) công bố nêu rõ, lý do chủ yếu là mức nền lạm phát quý I/2019 ở mức thấp.

Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là nếu tính theo tháng, lạm phát có xu hướng giảm dần do giá xăng, dầu và nguyên vật liệu giảm mạnh, cũng như dịch bệnh khiến nhu cầu nói chung, bao gồm ăn uống, giải trí nói riêng, sụt giảm.

Các chuyên gia của KBSV cũng cho rằng, lạm phát quý II năm nay có thể sẽ hạ nhiệt nhờ các động thái kiềm chế từ Chính phủ. Trước hết, rủi ro lạm phát trong giai đoạn quý II đến từ giá lương thực, đặc biệt là giá gạo có xu hướng tăng mạnh trong ngắn hạn do làn sóng tích trữ lương thực tăng mạnh và sản lượng suy giảm do hạn hán và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, việc Chính phủ yêu cầu ưu tiên ổn định an ninh lương thực quốc gia sẽ phần nào khiến giá lúa gạo trong nước có xu hướng giảm.

Nhóm giao thông sẽ là yếu tố hỗ trợ CPI trong quý II. Bởi vì mặt bằng giá dầu thô quốc tế hiện tại ở mức thấp, chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm trước. Quỹ Bình ổn xăng dầu ước tính đạt gần 5.000 tỷ đồng nên dư địa để Chính phủ can thiệp vào giá xăng dầu trong trường hợp giá thế giới tăng mạnh trở lại là tương đối nhiều.

Theo dự báo của KBSV, giá thịt lợn hơi sẽ giảm mạnh trong quý II, xuống mức 60.000 - 70.000 đồng/kg nhờ Chính phủ cho phép một số doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn để kiểm soát việc thương lái đẩy giá thịt lợn lên cao trong thời gian qua. Giá điện giảm cũng sẽ giúp CPI hãm đà tăng.

Bên cạnh đó, giá dịch vụ công như y tế và giáo dục không phải là yếu tố đáng lo ngại cho lạm phát quý II khi chưa phải là thời điểm điều chỉnh giá các dịch vụ này. Ngoài ra, trong bối cảnh lạm phát vẫn duy trì ở mức cao, Chính phủ có thể yêu cầu giãn, hoãn tăng giá một số dịch vụ công trong năm nay để có thể đưa lạm phát về mức mục tiêu dưới 4%.

Xem xét lạm phát từ diễn biến giá xăng dầu, các chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu thuộc Ngân hàng BIDV cho rằng, giá xăng dầu giảm mạnh làm giảm giá nhóm giao thông và nhóm dịch vụ điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng, từ đó làm giảm áp lực lên CPI.

Ngoài ra, việc giảm giá xăng dầu cũng tác động gián tiếp đến nhóm lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình (nhóm có tỷ trọng lớn nhất trong rổ hàng hóa tính CPI - 36,12%), góp phần ổn định biến động của nhóm này.

Trong khi đó, PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, với thực trạng nền kinh tế thế giới và trong nước gặp khó khăn, nhu cầu mua sắm và tiêu dùng hàng hóa của người dân giảm, giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất hàng hóa cũng giảm, lạm phát bình quân của quý II/2020 có khả năng sẽ thấp hơn quý I.

Cũng theo ông Thế Anh, xét trong cả năm 2020, rủi ro lạm phát do cầu kéo gần như không có, rủi ro từ tỷ giá ở mức thấp, trong khi rủi ro do gián đoạn nguồn cung (lương thực, thực phẩm) tăng lên. Do đó, mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4% có thể đạt được nếu giá lương thực, thực phẩm được kiểm soát tốt.

Cùng quan điểm về việc cần đẩy mạnh kiểm soát giá cả hàng hóa để kiềm chế lạm phát, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, CPI năm 2020 chịu nhiều áp lực hiện hữu từ biến động bất thường của giá thịt lợn, dịch Covid-19. “Để đạt được mục tiêu tăng giá tiêu dùng bình quân dưới 4% trong năm 2020, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2020 cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để kịp thời đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn giá cả thị trường”, ông Long đề xuất.

Tin cùng chuyên mục