Kiểm tra, giám sát công tác phòng chống tham nhũng tại Phú Thọ

Chiều 27/3, tại TP. Việt Trì (tỉnh Phú Thọ), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng đoàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) tại tỉnh Phú Thọ đã công bố kết quả kiểm tra, giám sát tại một số cơ quan, đơn vị trực thuộc tỉnh Phú Thọ.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP

Theo đoàn công tác, thời gian qua, Tỉnh ủy Phú Thọ đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hoá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác PCTN; chú trọng trên cả 3 lĩnh vực chính trị, tư tưởng và tổ chức, bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất cao trong quá trình thực hiện.

Tỉnh Phú Thọ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng, nhất là trong công tác đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Chú trọng công tác xây dựng Đảng, củng cố tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Thường xuyên quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp, coi đây là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, với nhiều giải pháp đột phá, quyết liệt, gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ. Đồng thời có nhiều giải pháp chấn chỉnh và củng cố các tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên yếu kém.

Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Kiểm tra cán bộ, đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng khi có dấu hiệu vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được triển khai thực hiện khá toàn diện, các cấp ủy đảng, chính quyền chủ động xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch về công tác PCTN, lãng phí hàng năm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị, chú trọng xác định các ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực để lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát. Công tác PCTN tại các cơ quan, đơn vị có chuyển biến tích cực, đã tăng cường công tác phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng.

Tuy nhiên, đoàn kiểm tra cũng chỉ rõ những hạn chế cần khắc phục. Đó là, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN tuy được quan tâm thực hiện nhưng chưa thường xuyên, chưa tạo được sự chuyển biến căn bản về nhận thức đảng viên, cán bộ, công chức, người dân đối với công tác PCTN. Vẫn có cán bộ, đảng viên chưa nêu gương về đạo đức, lối sống, có hành vi tham nhũng bị xử lý, một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm cập nhật, tuyên truyền, phổ biến những chủ trương, chính sách, quy định mới của Đảng, Nhà nước về PCTN.

Việc thực hiện quy định của pháp luật về phòng ngừa tham nhũng tại một số cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, còn mang tính hình thức, một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả thực hiện còn thấp. Một số cơ quan, đơn vị và người đứng đầu chưa nhận thức đúng nội dung, quy định của pháp luật về các giải pháp PCTN, nên việc triển khai thực hiện còn lúng túng. Công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các quy định về PCTN tại một số cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm thường xuyên.

Việc phát hiện tham nhũng qua công tác tự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán chuyển sang cơ quan điều tra còn hạn chế, chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra chưa cao, chủ yếu quan tâm đến quy trình, thủ tục và giảm trừ, thu hồi về kinh tế. Một số kết luận thanh tra, kiểm tra còn chung chung, chưa chỉ rõ nội dung sai phạm, chưa chỉ rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có sai phạm để đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý trách nhiệm (về Đảng, hành chính) theo quy định, chủ yếu là kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng còn mặt hạn chế, tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án tham nhũng chưa cao…

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ: Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc về công tác PCTN, đoàn kiểm tra đã nắm tình hình, đánh giá về sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác PCTN của tỉnh Phú Thọ, kịp thời ghi nhận kết quả và phát hiện những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và làm rõ nguyên nhân, từ đó đề xuất, kiến nghị, có biện pháp chấn chỉnh và khắc phục nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác PCTN tại tỉnh Phú Thọ.

Kết quả kiểm tra, giám sát và đôn đốc về công tác PCTN tại tỉnh Phú Thọ là cơ sở quan trọng để lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN có những quyết định về chính sách và giải pháp quan trọng đối với công tác này tại Phú Thọ nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng lưu ý tỉnh Phú Thọ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh, bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ khởi nghiệp, tạo việc làm và từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, xoá đói giảm nghèo... Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác PCTN, Tỉnh ủy cần tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc liên quan đến công tác PCTN trên địa bàn.

Tin cùng chuyên mục