![]() |
Doanh nghiệp công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao được đề xuất miễn kiểm tra hồ sơ hải quan, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa trong quá trình làm thủ tục hải quan… Ảnh: Nhã Chi |
Việc xây dựng, hoàn thiện và ban hành Luật trên được kỳ vọng sẽ kiến tạo các chính sách đột phá, tháo gỡ kịp thời các điểm nghẽn phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) thời gian tới.
Việc xây dựng Dự án Luật nhằm thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia; chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết số 192/2025/QH15 về bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, Nghị quyết số 193/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia.
Bộ Tài chính đã tổ chức nghiên cứu, rà soát quy định pháp luật hiện hành về tài chính - ngân sách, đề xuất các chính sách đột phá, tháo gỡ kịp thời các điểm nghẽn phục vụ hoạt động phát triển KHCN, ĐMST và CĐS cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu 8%. Bên cạnh đó, trong quá trình thực thi các luật của ngành tài chính, Bộ Tài chính cũng nhận được các ý kiến, đề nghị của cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức về các nội dung vướng mắc, chồng chéo giữa các luật và trong từng luật nên cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Theo Bộ Tài chính, Dự án Luật sẽ luật hóa những vấn đề đã rõ, đã được thực tế kiểm nghiệm là phù hợp; rà soát, xác định rõ những nội dung, phạm vi vấn đề cần sửa đổi, bổ sung để khắc phục khó khăn, vướng mắc phát sinh. Dự án Luật cũng kế thừa và phát huy những quy định hiện hành đã được thực tiễn chứng minh đem lại các tác động tích cực đến phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia.
Quan điểm xây dựng Dự án Luật lần này là sửa đổi, bổ sung một số quy định còn mâu thuẫn, đang gây khó khăn, vướng mắc, yêu cầu cấp bách cần sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, những nội dung được sửa đổi, bổ sung đều có quy định rõ ràng, minh bạch, có đánh giá tác động cụ thể.
Bộ Tài chính cho biết, Dự thảo Luật gồm 8 điều, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật PPP; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Về Luật Đấu thầu, Dự thảo Luật nghiên cứu sửa đổi quy định áp dụng Luật Đấu thầu đối với việc thực hiện nhiệm vụ KHCN; ưu đãi trong đấu thầu; phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu… Theo đó, sản phẩm ĐMST, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số đáp ứng tiêu chí theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ, nhà thầu là trung tâm ĐMST, doanh nghiệp KHCN, doanh nghiệp công nghệ cao, tổ chức KHCN, trung tâm nghiên cứu và phát triển; doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ khi chào thầu sản phẩm ĐMST trong lĩnh vực công nghệ số thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu.
Đối với Luật PPP, Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng bổ sung nhóm dự án có mục tiêu phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia quy trình tương tự dự án PPP ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao, ứng dụng công nghệ mới theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ. Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định trường hợp nhà đầu tư sở hữu công nghệ chiến lược thuộc danh mục do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố và có văn bản đề xuất thực hiện dự án PPP, nhà đầu tư được giao quyền lập báo cáo nghiên cứu khả thi để trình phê duyệt dự án, không yêu cầu lập chủ trương đầu tư, được lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức chỉ định.
Về Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 21 Điều 16 Luật này về việc miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để phát triển KHCN, ĐMST và CĐS.
Đối với Luật Hải quan, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện áp dụng và chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp công nghiệp bán dẫn, doanh nghiệp công nghệ cao (miễn kiểm tra hồ sơ hải quan, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa trong quá trình làm thủ tục hải quan, thực hiện thủ tục hải quan bằng tờ khai chưa hoàn chỉnh, được hoàn thuế trước kiểm tra sau…)…
Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật, Bộ Tài chính đã có văn bản lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương theo trình tự, thủ tục rút gọn. Ngày 2/4/2025, Bộ đã tổ chức họp với các ủy ban của Quốc hội, bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước để lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật. Dự kiến, Dự án Luật sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2025 theo trình tự, thủ tục rút gọn.