Kiến tạo động lực mới từ đề xuất sửa đổi Luật Quy hoạch

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau 5 năm thực hiện Luật Quy hoạch với điểm nhấn là bãi bỏ các quy hoạch sản phẩm, tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tiếp tục đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật để quy hoạch thực sự là công cụ hiệu quả của Nhà nước trong định hướng, dẫn dắt sự phát triển.
Định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch đề xuất quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn thuộc danh mục quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Ảnh: Lê Tất Tiên
Định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch đề xuất quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn thuộc danh mục quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Ảnh: Lê Tất Tiên

Dấu ấn Luật Quy hoạch 2017

Luật Quy hoạch năm 2017 (có hiệu lực ngày 1/1/2019) cùng các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo thành một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hoàn thiện triển khai hoạt động quy hoạch thống nhất, đồng bộ trên phạm vi cả nước. Với phạm vi điều chỉnh chung cho các loại quy hoạch phát triển trên phạm vi cả nước, hệ thống quy hoạch quốc gia lần đầu tiên được thành lập có tính thứ bậc, dễ theo dõi, giám sát và thực hiện, thay thế cho quy hoạch thời kỳ trước được điều chỉnh bởi trên 100 luật, pháp lệnh có nội dung chồng chéo.

Theo quy định của Luật Quy hoạch, số lượng quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh (không bao gồm quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành) giảm khoảng 97% (giảm từ trên 3.600 quy hoạch còn 111 quy hoạch).

Luật Quy hoạch loại bỏ các quy hoạch chồng chéo, cản trở đầu tư, phát triển, tạo rào cản gia nhập thị trường của doanh nghiệp, hàng hóa, dịch vụ. Đây là một trong những bước đột phá tạo dấu ấn sâu sắc trong hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm minh bạch, công bằng trong huy động, tiếp cận cũng như phát huy tối đa các nguồn lực đầu tư và phát triển. Trong đó, việc bãi bỏ các quy hoạch sản phẩm là bước đột phá, đồng nghĩa với xóa bỏ các điều kiện kinh doanh phi thị trường, xóa bỏ việc ấn định số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ.

Đơn cử, việc bãi bỏ Quyết định số 6139/QĐ-BCT ngày 28/8/2013 phê duyệt Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo đã nhận được sự hưởng ứng tích cực, mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp. Bởi quy hoạch này khống chế số lượng tối đa 150 đầu mối xuất khẩu gạo; giới hạn chỉ thương nhân có kho chứa, cơ sở xay xát thóc, gạo trên địa bàn 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, TP. Hồ Chí Minh, Thái Bình, Hưng Yên, Tây Ninh được xuất khẩu gạo; dùng thành tích xuất khẩu gạo làm điều kiện để duy trì giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo...

Hay Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (ban hành năm 2014) đặt ra những con số không phù hợp với thực tiễn khi dự kiến sản lượng xe đến năm 2020 đạt hơn 227.000 chiếc; đến năm 2025 là hơn 466.000 chiếc và đến năm 2030 là gần 863.000 chiếc... Thực tế triển khai khác xa quy hoạch. Đến hết năm 2018, theo các số liệu thống kê, cả nước đã có khoảng 3 triệu xe ô tô…

Về dịch vụ, việc bãi bỏ các quy hoạch ấn định số lượng cơ sở kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực dịch vụ công (quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng, quy hoạch tổng thể các trung tâm đăng kiểm và dây chuyền kiểm định xe cơ giới…) cũng như trong khu vực tư nhân (quy hoạch kinh doanh bán buôn, bán lẻ sản phẩm rượu bia, thuốc lá; quy hoạch karaoke, vũ trường…) góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, xóa bỏ cơ chế xin - cho và “giấy phép con”.

Bãi bỏ quy hoạch sản phẩm nhưng công tác quy hoạch vẫn tiếp tục đóng góp vào việc định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng. Đóng góp không phải bằng cách ấn định số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ, mà thông qua định hướng phát triển các đô thị, khu chức năng, hệ thống kết cấu hạ tầng, sử dụng bền vững tài nguyên để thúc đẩy phát triển các ngành quan trọng và khu vực động lực phát triển của quốc gia, vùng, địa phương.

Xây nền tảng mới, dẫn dắt sự phát triển

Việc thực thi Luật Quy hoạch trong thời gian qua được đánh giá đã thiết lập hệ thống quy hoạch quốc gia thống nhất; đổi mới toàn diện nội dung, cách tiếp cận lập quy hoạch; tăng cường gắn kết giữa quy hoạch với đầu tư và quản lý phát triển; định hình không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất… Tuy nhiên, đã xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc cần nghiên cứu tháo gỡ. Đó là bất cập về vị trí của quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trong hệ thống quy hoạch quốc gia; về kinh phí cho hoạt động quy hoạch; chưa có quy định về trình tự, thủ tục điều chỉnh nhiệm vụ lập quy hoạch…

Từ yêu cầu thực tiễn, Bộ KH&ĐT trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Quan điểm xuyên suốt là tiếp tục hoàn thiện thể chế về quy hoạch để quy hoạch là công cụ hiệu quả của Nhà nước trong định hướng, dẫn dắt sự phát triển của đất nước, vùng lãnh thổ và các địa phương.

Theo Bộ KH&ĐT, định hướng sửa đổi Luật Quy hoạch sẽ đề xuất quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn thuộc danh mục quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, đồng thời bổ sung quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành vào hệ thống quy hoạch quốc gia. Nghiên cứu bổ sung vào danh mục các quy hoạch một số quy hoạch kết cấu hạ tầng và khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên để sản xuất sản phẩm cần thiết, cấp bách, mang tính chiến lược, bảo đảm không làm phát sinh thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp và không trái với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký.

Cùng với đó là việc hoàn thiện quy định về nội dung quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo hướng tập trung vào các định hướng phát triển có tính chiến lược dài hạn và phù hợp với thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Các phương án phát triển chi tiết thuộc thẩm quyền quản lý của cấp tỉnh sẽ xem xét bổ sung vào danh mục quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành để đảm bảo yêu cầu quản lý phát triển theo quy hoạch.

Theo Bộ KH&ĐT, những quy định mới sẽ góp phần thay đổi phương thức quản lý nhà nước hiện nay theo hướng nhà nước kiến tạo và phục vụ. Trong đó, Nhà nước chỉ quy hoạch những ngành hạ tầng thiết yếu để kiến tạo sự phát triển trên cơ sở tôn trọng quy luật của kinh tế thị trường. Việc phân bổ nguồn lực cũng sẽ theo cơ chế thị trường để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy việc huy động các nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển.

Tin cùng chuyên mục