Kinh tế năm 2023, thách thức đan xen kỳ vọng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, GDP năm 2022 ước tăng 8,02% so với năm trước, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022. Bức tranh kinh tế - xã hội có nhiều điểm sáng, là động lực cho kỳ vọng tăng trưởng năm tới.
GDP năm 2022 ước tăng 8,02% so với năm trước, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022. Ảnh: Giang Đông
GDP năm 2022 ước tăng 8,02% so với năm trước, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022. Ảnh: Giang Đông

Cụ thể, hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh ở cả 3 khu vực kinh tế. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp 38,24%; khu vực dịch vụ tăng 9,99%, đóng góp 56,65%. Tính chung năm 2022, có 208,4 nghìn doanh nghiệp gia nhập thị trường, tăng 30,3% so với năm 2021. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2022 tăng 3,15% so với năm trước.

Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, năm 2022, nền kinh tế Việt Nam trải qua nhiều khó khăn, như chi phí đầu vào tăng cao đã ảnh hưởng đến hoạt động trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Sản xuất công nghiệp trong quý IV/2022 có xu hướng giảm dần do thiếu đơn hàng, chi phí đầu vào ở mức cao và thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu. Một số ngành dịch vụ chưa đạt được quy mô so với năm chưa xảy ra dịch Covid-19; đà tăng trưởng xuất, nhập khẩu chững lại… Rất nhiều doanh nghiệp hụt hơi trên thương trường, thể hiện ở việc số doanh nghiệp rút lui khỏi năm 2022 tăng 19,5% so với năm trước...

Năm 2023, nhiều dự báo từ các tổ chức quốc tế cho biết, dòng mạch sản xuất kinh doanh toàn cầu phải đối mặt với nhiều thách thức hơn và điều này sẽ tác động tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trong bối cảnh mới, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 thấp hơn kết quả thực tế năm 2022, với GDP tăng trưởng 6,5%, lạm phát khoảng 4,5%.

Ông Lê Trung Hiếu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, dù còn nhiều thách thức, khó khăn phía trước, nhưng nhìn vào các động lực chính trong bức tranh kinh tế Việt Nam, có cơ sở để đặt niềm tin mục tiêu Quốc hội đặt ra năm tới sẽ đạt được. Đó là, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện rõ vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, không chỉ bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước, mà còn khẳng định vị trí là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu, đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

Với ngành công nghiệp chế biến, dù có dấu hiệu sụt giảm trong quý IV năm 2022, nhưng cả năm vẫn tăng 8,10%, đóng góp 2,09 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Ngành du lịch phục hồi ấn tượng, đặc biệt đối với du lịch nội địa (dự kiến tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ), đã kéo theo các dịch vụ lữ hành, vận tải kho bãi, lưu trú ăn uống, bán buôn bán lẻ tăng trưởng mạnh, đang dần về mức như trước đại dịch. Các ngành dịch vụ thị trường đang đóng góp lớn vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ nói chung.

Cùng với đó, sau đại dịch, cầu tiêu dùng ngày càng hồi phục, đang và sẽ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Xuất khẩu hàng hóa nông sản, nhờ vào đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn năm trước. Năm 2023 hứa hẹn vẫn sẽ là một năm thành công của xuất khẩu các sản phẩm nông sản.

Đầu tư công sẽ tiếp tục là nguồn vốn dẫn dắt, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kích cầu cả trong ngắn hạn và dài hạn. Với tổng nguồn lực đầu tư công lên tới 700.000 tỷ đồng, nhiều chuyên gia chung niềm tin rằng, đầu tư công là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế trong năm 2023.

Ám ảnh lớn nhất với kinh tế Việt Nam năm 2023 là lạm phát và những thách thức khó dự đoán từ hàng loạt các vấn đề toàn cầu. Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đã bày tỏ lo ngại, Việt Nam là quốc gia nhập khẩu nhiều nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất, khi nhập khẩu với mức giá cao thì sẽ đẩy giá cả hàng hóa lên cao, gây áp lực lên lạm phát. Cùng với đó, sự điều chỉnh giá cả một số dịch vụ do Nhà nước quản lý (giáo dục và y tế) cũng sẽ có tác động mạnh tới CPI; áp lực cầu kéo từ gói hỗ trợ tăng trưởng kinh tế có khả năng đẩy giá hàng hóa và dịch vụ lên cao…

Tin cùng chuyên mục