Kỳ vọng áp lực tỷ giá sẽ “giảm nhiệt”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Những ngày gần đây, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và lãi suất tiết kiệm tiếp tục xu thế đi lên, rút ngắn khoảng cách lãi suất của VND và USD, giảm áp lực lên tỷ giá USD/VND. Tuy nhiên, cần tiếp tục có các giải pháp ứng phó kịp thời với biến động trên thị trường ngoại hối, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô.
Kỳ vọng áp lực tỷ giá sẽ “giảm nhiệt”

Trên thị trường liên ngân hàng, ngày 23/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho 8 thành viên thị trường vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) số tiền 43.064 tỷ đồng với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất là 4,5%/năm cao hơn nhiều so với mức lãi suất 1,52% với cùng kỳ hạn, ghi nhận cách đây 2 tháng. Đồng thời, tiếp tục phát hành tín phiếu với tổng khối lượng 750 tỷ đồng với lãi suất 4,2%.

Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 22/5, NHNN cho 9 thành viên thị trường vay gần 25.000 tỷ đồng thông qua kênh cầm cố giấy tờ có giá (OMO) với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất 4,5%/năm, trong khi trước đó kỳ hạn này có lãi suất cho vay rất thấp (dưới 1%). Đồng thời, NHNN đã phát hành 650 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày, với lãi suất trúng thầu ở mức 4%/năm.

Trên thị trường huy động vốn từ dân cư và doanh nghiệp, lãi suất tiết kiệm tiếp tục xu hướng tăng. Ngày 24/5, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) công bố tăng lãi suất tiết kiệm với mức tăng 0,2 điểm phần trăm đối với tất cả kỳ hạn. Nối tiếp xu hướng từ tháng 3/2024, từ đầu tháng 5 đến nay, nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động gồm: ACB, VIB, GPBank, NCB, BVBank, Sacombank, CB, Bac A Bank, Techcombank, TPBank, PGBank, SeABank, Viet A Bank, ABBank, VPBank, HDBank, và MB. Mức lãi suất huy động phổ biến hiện hay từ 3,4% - 5,55%/năm cho kỳ hạn 1 - 13 tháng.

Trên thị trường ngoại tệ, sáng ngày 24/5, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.264 đồng/USD, tăng 6 đồng so với phiên trước. Trong tháng qua, giá USD tại các ngân hàng liên tục tiến sát mức trần cho phép.

Tại báo cáo Triển vọng kinh tế vĩ mô 2024 vừa công bố mới đây, Nhóm Nghiên cứu kinh tế vĩ mô của VEPR và Think Future cho rằng, có nhiều công cụ để kiểm soát tỷ giá mà NHNN có thể sử dụng. Nhìn lại hai năm 2022 và 2023, có ba bước để kiểm soát tỷ giá. Bước 1 là hút thanh khoản bằng tín phiếu và các nghiệp vụ khác để nâng lãi suất liên ngân hàng. Bước 2 là bán dự trữ ngoại hối, có thể ít, có thể nhiều để thăm dò và ổn định cung - cầu thị trường. Bước 3 là tăng lãi suất điều hành trong trường hợp các bước 1 và 2 chưa đủ để hạ nhiệt tỷ giá.

Hiện nay, NHNN đã thực hiện bước 1 và 2. Dù các cơ quan quản lý đã rất nỗ lực để kiểm soát tỷ giá nhưng trong bối cảnh xuất siêu giảm, áp lực lên cung cầu ngoại tệ sẽ còn kéo dài. Các giải pháp hút thanh khoản hay bán dự trữ ngoại hối sẽ khó đủ để tiếp tục ổn định tỷ giá. Trong bối cảnh đó, tăng lãi suất điều hành sẽ là công cụ hữu hiệu nhất để kiểm soát tỷ giá.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, người sáng lập Think Future Consultancy cho rằng, NHNN đã tăng lãi suất trên thị trường OMO và lãi suất tín phiếu nhằm nâng mặt bằng lãi suất VND để rút ngắn khoảng cách với lãi suất USD, qua đó hy vọng nguồn cung USD sẽ dồi dào hơn. Năm 2022, NHNN cũng phát hành tín phiếu để đẩy lãi suất VND từ mức thấp hơn tăng lên cao hơn lãi suất USD. Tuy nhiên, diễn biến năm nay rất khác, theo đó, lãi suất USD trên liên ngân hàng đang rất cao, trên 5% nên dù NHNN đã hút thanh khoản nhiều, đẩy tăng lãi suất OMO và tín phiếu, song lãi suất VND vẫn đang thấp hơn USD. Đáng chú ý, trạng thái nhập siêu đã quay trở lại trong nửa đầu tháng 5/2024 đẩy cung - cầu USD trên thị trường tiếp tục căng thẳng. NHNN đã bán USD từ nguồn dự trữ, nhưng rõ ràng lần này NHNN thận trọng hơn, tránh giảm dự trữ nhanh như hồi 2022.

“Có một cách là NHNN hạ tỷ giá trung tâm, kéo giá bán USD của NHTM xuống sát mức giá mua từ dự trữ ngoại hối do NHNN bán can thiệp, giảm mức sinh lời từ việc mua dự trữ để bán lại trên thị trường. Còn việc có tăng lãi suất điều hành như 2022 hay không và khi nào tăng phụ thuộc vào độ căng của cung - cầu USD”, ông Linh nhận định.

Về lãi suất tiết kiệm, theo ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam, mặt bằng lãi suất tiết kiệm vẫn ở mức thấp kỷ lục và có thể tăng 0,5% - 1% trên các kỳ hạn khác nhau từ tháng 5 đến hết năm 2024.

Về tỷ giá, ông Quang cho rằng, mức giảm giá từ đầu năm 2024 đến nay của tiền đồng nằm trong xu thế chung và ở mức trung bình. Với kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Fed đang giảm dần, tỷ giá USD/VND có thể sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn.

“Điều hành lãi suất VND để hài hòa với lãi suất USD neo cao, thúc đẩy tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, tỷ giá… là bài toán phức tạp. Chúng tôi kỳ vọng VND sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các yếu tố cơ bản vững chắc và sự phục hồi tiếp theo của đồng CNY. Chúng tôi dự báo tỷ giá USD/VND là 25.600 đồng trong quý II/2024, 25.100 đồng trong quý III/2024, 24.800 đồng trong quý IV/2024 và 24.600 đồng trong quý I/2025”, ông Quang cho biết.

Tin cùng chuyên mục