Tổng cầu thế giới phục hồi sẽ giúp đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam tăng trở lại. Ảnh: Đinh Quang Tuấn |
Tín hiệu tích cực
Theo Bộ Công Thương, trong tháng 7, hoạt động XK hàng hóa tăng 0,8% so với tháng trước, ước đạt 29,68 tỷ USD, là tháng có kim ngạch XK cao thứ hai kể từ tháng 11/2022 đến nay (chỉ thấp hơn tháng 3/2023, đạt 29,71 tỷ USD).
Về cơ cấu hàng hóa XK, trong tháng 7, nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 1,1% so với tháng trước, ước đạt 25,12 tỷ USD, chiếm 84,65% tổng kim ngạch XK của cả nước. Trong đó, một số mặt hàng công nghiệp chính có xu hướng tăng như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng 2,6% so với tháng trước; dệt may đạt 3,2 tỷ USD, tăng 4,6%; giày dép các loại đạt 1,85 tỷ USD, tăng 4,8%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 5,5%; đặc biệt phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 19,4%...
Kim ngạch XK nhóm nhiên liệu và khoáng sản trong tháng 7/2023 ước đạt 369 triệu USD, tăng 8,7% so với tháng trước.
Kim ngạch XK nhóm hàng nông, thủy sản trong tháng 7/2023 chững lại so với tháng trước (giảm 0,9%), nhưng vẫn tăng tới 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái. “So với cùng kỳ năm 2022, kim ngạch XK một số mặt hàng vẫn đạt mức tăng trưởng cao như: rau quả tăng 122,5%, hạt điều tăng 15%, cà phê tăng 37,4%, gạo tăng 14,4%...”, Bộ Công Thương thông tin.
Xu hướng phục hồi của cầu thế giới cũng được phản ánh từ hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước. Theo Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh, sản xuất công nghiệp tháng 7 trên địa bàn đã tích cực hơn, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 23,84% so với tháng trước. Đây là mức tăng cao nhất từ đầu năm đến nay, cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn Tỉnh tiếp tục phục hồi.
Mặc dù vậy, theo một số chuyên gia, hoạt động XK của DN vẫn chưa hết khó khăn, thách thức khi tình hình kinh tế thế giới diễn biến hết sức phức tạp, nhiều bất ổn…
Tạo đà xuất khẩu những tháng cuối năm
TS. Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại thuộc Bộ Công Thương nhìn nhận, bên cạnh khó khăn thì XK nước ta vẫn có những yếu tố thuận lợi.
Theo ông Phương, kinh tế thế giới gần đây đã có dấu hiệu phục hồi nhẹ. Lạm phát tại các nền kinh tế lớn hạ nhiệt, nhất là những đối tác quan trọng của Việt Nam, sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng, đơn hàng XK của DN nước ta sẽ tăng trở lại, đặc biệt trong những tháng cuối năm.
Hơn nữa, các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa nguồn cung, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hóa đầu tư sẽ giúp Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất và XK quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu…
Ở trong nước, mặc dù tăng trưởng kinh tế chậm lại nhưng vẫn ở mức tích cực trong quý II. Các biện pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ sản xuất trong nước, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước và XK được triển khai mạnh mẽ… Dựa trên cơ sở đó, ông Phương kỳ vọng những tháng cuối năm 2023, tăng trưởng XK sẽ khởi sắc hơn.
Để thúc đẩy động lực XK, ông Phương cho rằng, quan trọng nhất là cần thực hiện đồng bộ và quyết liệt, thực chất hơn những giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN đã được ban hành. Theo ông Phương, việc cải thiện môi trường kinh doanh cần được đẩy mạnh hơn nữa để giúp DN giảm thời gian, chi phí sản xuất, cũng như đưa hàng đến người tiêu dùng cuối cùng.
Mặt khác, nhiều chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục hỗ trợ DN tận dụng cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó đặc biệt là CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu.
Theo chuyên gia Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần nâng cao khả năng chống chịu của các mặt hàng XK trong trung hạn để giảm nhẹ những rủi ro liên quan đến cú sốc bên ngoài. Đồng thời, đa dạng hóa mặt hàng và địa chỉ XK để giảm phụ thuộc vào những thị trường và sản phẩm cụ thể, qua đó nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế với những biến động kinh tế trên toàn cầu…