Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm sáng với mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt 11,18%. Ảnh: Lê Tiên |
Những điểm sáng nổi bật
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2019 tăng 6,76%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn cao hơn mức tăng 6 tháng các năm từ 2011 - 2017. Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, GDP 6 tháng đầu năm 2019 vẫn giữ đà tăng khá tốt, qua đó khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được Chính phủ ban hành để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Đồng thời, đó là kết quả từ sự nỗ lực của các ngành, các địa phương trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp nửa đầu năm 2019 duy trì tăng trưởng khá, đạt mức tăng 9,13% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng với mức tăng 11,18%, tuy thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn so với mức tăng 6 tháng đầu năm của các năm 2012 - 2017.
Về điểm sáng này, TS. Đặng Đức Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) nhận xét: “Năm ngoái, xuất khẩu của một số doanh nghiệp chủ lực trong lĩnh vực này tăng vọt, đẩy tốc độ tăng trưởng toàn ngành lên cao. Năm nay, xuất khẩu của các doanh nghiệp này lại giảm đáng kể. Trong khi đó, tổng tăng trưởng của cả lĩnh vực này chỉ giảm nhẹ so với năm ngoái. Điều này cho thấy lĩnh vực này đã bớt phụ thuộc vào một số doanh nghiệp chủ lực, đa dạng hóa động lực tăng trưởng. Đây là tín hiệu tích cực và thuận lợi cho đà phát triển trong thời gian tới”.
Cũng theo vị Phó Giám đốc này, điểm sáng nổi bật khác là tốc độ tăng đáng kể về vốn mua cổ phần, mở rộng sản xuất. Điều đó cho thấy đã có dòng tiền tươi đổ vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, từ đó sẽ hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Theo đó, tính đến 20/6/2019, cả nước có 4.020 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp là 8,12 tỷ USD, tăng 98,1% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm gần 44% tổng vốn đăng ký (18,47 tỷ USD).
Giải pháp kịp thời cho các yếu tố bất lợi
Phân tích về triển vọng tăng trưởng GDP từ nay đến cuối năm, ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia thuộc Tổng cục Thống kê cho rằng, đà tăng trưởng vẫn khả quan. Đặc biệt, một số điểm sáng trong nửa đầu năm nay nhiều khả năng sẽ duy trì trong những tháng còn lại của năm.
Trong đó, lĩnh vực chế biến và chế tạo được kỳ vọng sẽ có nhiều tín hiệu tích cực. Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này dự báo tăng trưởng hoạt động quý III sẽ cao hơn quý II.
Trước ý kiến lo ngại về khả năng giải ngân vốn đầu tư chậm sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế cả năm, ông Hùng cho biết, thông thường, tốc độ giải ngân sẽ dồn mạnh vào nửa cuối năm, đặc biệt với các giải pháp mạnh mẽ từ Chính phủ. Đây cũng là một lực đẩy đáng kể cho tăng trưởng kinh tế.
Mặt khác, một yếu tố rất tích cực là các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực gần đây sẽ góp phần tác động tích cực cho thương mại và xuất khẩu, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. “Với các yếu tố đó, khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng từ 6,6% - 6,8% là hoàn toàn khả thi”, ông Hùng nhấn mạnh.
Cùng quan điểm về những điểm thuận lợi của nền kinh tế như trên, nhưng ông Đặng Đức Anh cho rằng, vẫn còn một số điểm quan ngại và cần có giải pháp kịp thời để tránh tác động bất lợi cho tăng trưởng kinh tế.
Từ nội tại nền kinh tế, lĩnh vực nông nghiệp đang đối mặt với dịch tả lợn châu Phi, từ đó có thể tác động đến cung cầu mặt hàng này trên thị trường và tăng trưởng sản lượng của cả ngành nông nghiệp. Từ bên ngoài, diễn biến khó lường của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn là ẩn số đối với xuất nhập khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, suy giảm kinh tế toàn cầu đang diễn ra có thể làm giảm xuất khẩu của Việt Nam. “Nhìn chung, các yếu tố tích cực vẫn mạnh mẽ hơn các yếu tố tiêu cực. Do đó, tăng trưởng kinh tế năm nay chắc sẽ ở mức trên 6,8%”, ông Đức Anh dự báo.
Về các yếu tố bất lợi nêu trên, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, Tổng cục Thống kê đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra các khuyến nghị bù đắp thiệt hại từ dịch tả lợn châu Phi. Đó là, mở rộng diện tích gieo cấy lúa vụ 3 thêm 50 nghìn ha để tăng sản lượng thu hoạch, tăng giá trị cho ngành. Đồng thời, đẩy mục tiêu tăng trưởng cả năm của sản xuất rau từ mức 3% dự kiến đầu năm lên mức 5%. Đồng thời, tính toán tăng sản lượng các loại cây công nghiệp, tăng nuôi trồng thủy sản… để bù đắp mức giảm sản lượng của chăn nuôi lợn. Mặt khác, Tổng cục Thống kê tiếp tục nghiên cứu để kiến nghị các giải pháp ứng phó với những tác động từ bên ngoài.