Giá bất động sản ở một số khu vực tăng mạnh khiến nhiều người tính đến việc dùng đòn bẩy tài chính để “lướt sóng”. Ảnh: Lê Công |
Mới đây, nhiều ngân hàng tiếp tục có động thái điều chỉnh biểu lãi suất cho vay mua nhà, đất trên thị trường. Theo đó, lãi suất ưu đãi cho vay mua nhà hiện thấp nhất là 5,99% và cao nhất là 9,5%/năm. Sau thời hạn ưu đãi, lãi suất cho vay thực tế sẽ bằng lãi suất cơ sở (hoặc lãi suất tiết kiệm) cộng thêm biên độ 3 - 4% tùy từng ngân hàng. Mức lãi suất sau ưu đãi phổ biến từ 10% đến trên 13%/năm.
Từ đầu năm đến nay, một số ngân hàng thương mại đã có động thái giảm lãi suất cho vay mua nhà, mức khoảng từ 0,2 điểm phần trăm đến 2 điểm phần trăm/năm. So với thời điểm đầu năm 2020, lãi suất ưu đãi cho vay mua nhà hiện thấp hơn từ 1 - 2 điểm phần trăm.
Lý giải về nguyên nhân lãi suất cho vay mua nhà giảm trong thời gian gần đây, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, dòng vốn tại các ngân hàng hiện khá dồi dào do nền kinh tế đang hồi phục nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nên chưa đẩy mạnh việc vay vốn. Do đó, các ngân hàng tìm nhiều cách khác nhau để đẩy mạnh vốn vay ra thị trường, trong đó có lĩnh vực bất động sản do dư địa cho vay còn và nhu cầu vay vẫn có.
Thực tế, mức lãi suất sau ưu đãi từ trên 13%/năm để vay mua nhà không hẳn là “dễ thở” với nhiều người lao động có thu nhập trung bình thấp. Song, so với mức tăng giá bất động sản ở một số khu vực có thể khiến nhiều người tính đến việc dùng đòn bẩy tài chính để “lướt sóng” bất động sản.
Phản hồi từ thị trường cho thấy, giá đất tăng ở nhiều khu vực là tăng “ảo” mà không có nhiều giao dịch có thực. Do đó, khách hàng vay vốn ngân hàng để đầu tư vào bất động sản trong thời gian tới cần hết sức cẩn trọng, xem xét kỹ tính pháp lý, uy tín của chủ đầu tư…
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, việc sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu cơ đất đai trong giai đoạn hiện nay tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Bởi, phản hồi từ thị trường cho thấy, giá đất tăng ở nhiều khu vực là tăng “ảo” mà không có nhiều giao dịch có thực. Do đó, khách hàng vay vốn ngân hàng để đầu tư vào bất động sản trong thời gian tới cần hết sức cẩn trọng, xem xét kỹ tính pháp lý, uy tín của chủ đầu tư… Đồng thời, người vay cần tính toán thận trọng khả năng chi trả vốn vay với khả năng thanh khoản của bất động sản, cân nhắc sử dụng dòng tiền một cách hiệu quả.
Mặt khác, nếu mặt bằng lãi suất huy động chung tăng như hiện nay thì lãi suất cho vay mua nhà khó có thể giữ ở mức thấp và càng tăng rủi ro cho các nhà đầu tư khi thị trường bất động sản hạ nhiệt.
Liên hệ đến xu hướng sốt đất đang diễn ra, theo ông Hiếu, khi mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà thấp, nhiều người sẽ có xu hướng vay không chỉ để mua nhà cho nhu cầu ở thực tế mà còn tính đến đầu cơ. Tuy nhiên, lãi suất thấp có thể là một trong những lực đẩy dòng vốn tín dụng đổ vào bất động sản, nhưng không hẳn là nguyên nhân chính gây sốt đất, bởi sốt đất còn nhiều yếu tố tác động khác như điều chỉnh quy hoạch, tin đồn thất thiệt, “cò mồi” đẩy giá.
Theo ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI), mặt bằng lãi suất được thiết lập bởi cung cầu thị trường, cơ quan điều hành dù muốn cũng khó có thể tác động nhiều đến mặt bằng lãi suất hiện nay.
Thay vào đó, để góp phần giảm sốt đất, có thể tăng hệ số rủi ro với tín dụng bất động sản để giảm dòng vốn sẵn sàng giải ngân cho lĩnh vực này. Từ phía các ngân hàng thương mại, việc đẩy tăng trưởng tín dụng qua các kênh là cần thiết, nhưng thị trường đang ở trong giai đoạn tiềm ẩn nhiều rủi ro nên hơn bao giờ hết cần giám sát chặt việc thực hiện các quy định về kiểm soát hồ sơ vay kinh doanh bất động sản, vay mua nhà đất thuộc hạng mục vay tiêu dùng, điều tra kỹ về tính pháp lý, giá trị thực tế của dự án cần vay.