Làm gì để tránh nguy cơ bị gắn mác thao túng tiền tệ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc Bộ Tài chính Mỹ cho rằng đồng VND được định giá thấp 4,7% so với USD trong năm 2019 gây lo ngại Việt Nam có thể bị xếp vào danh sách thao túng tiền tệ.
Nhu cầu gia tăng dự trữ ngoại hối là cần thiết trong bối cảnh Việt Nam nhận được nhiều khuyến cáo của các tổ chức tài chính về thiếu hụt dự trữ ngoại hối. Ảnh: Lê Tiên
Nhu cầu gia tăng dự trữ ngoại hối là cần thiết trong bối cảnh Việt Nam nhận được nhiều khuyến cáo của các tổ chức tài chính về thiếu hụt dự trữ ngoại hối. Ảnh: Lê Tiên

Trong khi đó, có ý kiến cho rằng rủi ro này chỉ ở mức trung bình và việc cần làm hiện nay là tiếp tục làm rõ với Bộ Tài chính Mỹ về cách thức điều hành chính sách ngoại hối và có thể trì hoãn việc mua vào ngoại tệ trong một khoảng thời gian.

Mới đây, hãng tin Bloomberg đưa tin, Bộ Tài chính Mỹ đã gửi báo cáo đánh giá cho Bộ Thương mại nước này và xác định rằng VND bị định giá dưới giá trị khoảng 4,7% trong năm 2019, một phần bởi động thái mua ròng 22 tỷ USD của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong năm ngoái.

Theo bình luận của hãng tin Reuters, việc này có thể là căn cứ để Bộ Tài chính Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ khi phát hành báo cáo tiền tệ trong thời gian tới. Tuy nhiên, hãng tin này cũng trích ý kiến của một chuyên gia cho rằng, một đồng tiền có thể được xác định là bị làm giảm giá trị nhưng vẫn chưa hẳn đã đáp ứng các tiêu chí để Bộ Tài chính Mỹ xếp vào danh sách thao túng tiền tệ.

Nêu quan điểm về vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính thuộc Bộ Tài chính cho rằng, điều này không hẳn là bất ngờ bởi trước đó Mỹ đã đưa Việt Nam vào danh sách cần theo dõi dựa trên các tiêu chí về thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ, thặng dư cán cân vãng lai, can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ làm tăng dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, trong một báo cáo gần đây, Bộ Thương mại Mỹ cũng cho rằng, dự trữ ngoại hối của Việt Nam không hẳn ở mức cao và việc tăng dự trữ là phù hợp.

Dù vậy, theo ông Độ, do các yếu tố về thặng dư thương mại song phương với Mỹ và thặng dư cán cân vãng lai của Việt Nam đã ở ngưỡng cao và khó có thể điều chỉnh nên cần xem xét hoãn mua ngoại tệ trong thời gian tới để giảm rủi ro vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ theo đánh giá của Bộ Tài chính Mỹ.

Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBS), nội dung VND giảm giá được đề cập tại báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ trong đánh giá liên quan đến cuộc điều tra chống trợ cấp với việc nhập khẩu lốp xe từ Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên Bộ Thương mại Mỹ coi việc định giá thấp tiền tệ là một hình thức trợ cấp khi xác định thuế chống trợ cấp, theo quy tắc mới được Bộ Tài chính Mỹ ban hành.

Điều tra này sẽ khiến rủi ro Việt Nam bị gắn mác “thao túng tiền tệ” tăng lên. Dù vậy, quá khứ cho thấy Bộ Tài chính Mỹ không quá cứng nhắc bám theo các tiêu chí trên trong việc đánh giá một quốc gia thao túng tiền tệ.

Trên thực tế, trong báo cáo gần đây, Bộ Tài chính Mỹ nhận định rằng dự trữ ngoại hối của Việt Nam ở dưới mức tiêu chuẩn trong nhiều năm qua, tương đồng với đánh giá trước đó vào cuối năm 2018 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) rằng dự trữ của Việt Nam chỉ ở khoảng 76% mức dự trữ hợp lý.

Như vậy, Việt Nam có nhu cầu thiết thực và chính đáng để gia tăng dự trữ ngoại hối, cải thiện sức khỏe của hệ thống tiền tệ, trong bối cảnh nguồn cung USD dồi dào nhờ thặng dư thương mại, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và kiều hối tăng. Với cơ sở trên, KBS đánh giá rủi ro Việt Nam bị gắn mác thao túng tiền tệ trong lần đánh giá tới đây của Bộ Tài chính Mỹ ở mức trung bình.

Trong kịch bản bị gắn mác thao túng tiền tệ, theo quy định hiện nay, Việt Nam vẫn sẽ có 1 năm để tiến hành đối thoại song phương với Mỹ để 2 bên tiến hành trao đổi, thương lượng giải quyết vấn đề, trước khi các biện pháp trừng phạt từ phía Mỹ được kích hoạt.

Nhóm phân tích này nêu một số biện pháp Việt Nam có thể tiến hành để giảm thiểu rủi ro bị gắn mác thao túng tiền tệ từ Chính phủ Mỹ. Đó là giải trình với Bộ Tài chính Mỹ về nhu cầu gia tăng dự trữ ngoại hối là cần thiết trong bối cảnh Việt Nam nhận được nhiều khuyến cáo của các tổ chức tài chính về thiếu hụt dự trữ ngoại hối.

Bên cạnh đó, làm rõ chính sách là hoàn toàn không sử dụng công cụ tỷ giá hay phá giá VND một cách có chủ ý để hỗ trợ xuất khẩu. Đồng thời, cần cải thiện tình trạng xuất siêu sang Mỹ thông qua việc cam kết mua thêm sản phẩm, hàng hóa Mỹ, có các biện pháp hạn chế tối đa việc hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam nhằm tìm đường tới Mỹ. Mặt khác, về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ cần phải ưu tiên sử dụng các công cụ khác của chính sách tiền tệ ngoài việc mua tăng dự trữ ngoại hối để hỗ trợ cho nền kinh tế.

Tin cùng chuyên mục