![]() |
Khối lượng công việc sắp xếp lại tài sản công rất lớn, cần có bộ máy và nguồn lực xử lý để tránh xảy ra mất mát, xuống cấp tài sản. Ảnh: Đông Giang |
Bộ Tài chính cho biết, quá trình sắp xếp bộ máy, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đang diễn ra với một trong những nhiệm vụ quan trọng là sắp xếp, xử lý các trụ sở, tài sản công. Căn cứ pháp lý hiện hành thực hiện nhiệm vụ này là Nghị định số 114/2024/NĐ-CP và Nghị định số 50/2025/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã có các văn bản hướng dẫn việc sắp xếp, xử lý tài sản công khi sắp xếp lại đơn vị hành chính, chính quyền địa phương 2 cấp. Ngày 23/4/2025, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã ký văn bản của Đảng ủy Bộ Tài chính gửi Đảng bộ các cơ quan trung ương, bí thư các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương đề nghị quan tâm, chỉ đạo sắp xếp trụ sở, tài sản công khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị chỉ đạo rà soát, giao nhiệm vụ quản lý, bảo quản, khai thác quỹ nhà đất chuyên dùng, nhà đất dôi dư của địa phương cho các tổ chức quản lý kinh doanh nhà của địa phương phục vụ sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Ngày 22/4, Bộ Tài chính gửi văn bản xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan về tiêu chuẩn sử dụng tài sản công như trụ sở, ô tô, máy móc… Bộ Tài chính cũng đang trình xin ý kiến về việc sửa Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, khối lượng công việc sắp xếp lại tài sản công rất lớn, cần có bộ máy và nguồn lực xử lý để tránh xảy ra mất mát, xuống cấp tài sản. Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị chứ không phải của riêng một ngành, lĩnh vực hay cơ quan, đơn vị nào. Do đó, các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính nêu rõ, việc sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là một trong những yếu tố quan trọng bảo đảm sự thành công của quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
![]() |
Việc sắp xếp, bố trí tài sản công được thực hiện theo nguyên tắc tài sản của bộ, địa phương nào thì bộ, địa phương đó chịu trách nhiệm bố trí trong phạm vi quản lý. Ảnh: Giang Đông |
Việc sắp xếp, bố trí tài sản công được thực hiện theo nguyên tắc tài sản của bộ, địa phương nào thì bộ, địa phương đó chịu trách nhiệm bố trí trong phạm vi quản lý theo đúng thẩm quyền và trách nhiệm. Trong đó, cách thức sắp xếp bảo đảm hiệu quả, kế thừa thực hiện các nhiệm vụ, không gián đoạn công việc của các cơ quan, đơn vị và có thể bố trí nhiều cơ quan, đơn vị sử dụng chung trụ sở để đỡ lãng phí.
“Những tài sản nào theo được cán bộ, công chức, nhiệm vụ tương ứng thì chuyển nguyên trạng. Tài sản đặc thù chuyển cho cơ quan tiếp nhận nhiệm vụ đặc thù. Đây là nhiệm vụ khó, cần đa dạng cách làm để phù hợp và hiệu quả. Các bộ, ngành, địa phương phải giao trách nhiệm và bố trí nguồn kinh phí cho công tác quản lý, bảo quản, duy trì tài sản công, không để mất mát, xuống cấp. Đồng thời, phải kiện toàn và nâng cao năng lực các tổ chức có chức năng quản lý tài sản công. Quán triệt ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc ưu tiên bố trí hài hòa giữa các đơn vị để khai thác triệt để, những trụ sở không còn nhu cầu sử dụng thì ưu tiên chuyển đổi cho giáo dục, y tế, công cộng”, ông Thịnh cho biết.
Trước câu hỏi về việc xử lý hơn 11.000 cơ sở nhà đất không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, không đúng mục đích đã được rà soát trong thời gian qua, ông Thịnh cho biết, các cơ sở này chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Quá trình xử lý cơ sở nhà đất còn liên quan đến nhiều vấn đề như: phải phù hợp với quy hoạch, nếu muốn điều chỉnh quy hoạch thì phải theo quy định của pháp luật; ý thức trách nhiệm của các đơn vị và người đứng đầu trong quản lý, sử dụng các cơ sở nhà đất này…
“Việc để các cơ sở nhà đất dôi dư, không đưa vào sử dụng, khai thác không đúng mục đích cũng là hành vi lãng phí. Việc này đã được nêu tại các quy định về phòng chống lãng phí, tiêu cực trong quản lý tài sản công”, ông Thịnh nhấn mạnh.