![]() |
Các hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 1 tỷ đồng trở lên sẽ phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan thuế |
Tại Hội thảo "Quy định về chế độ hóa đơn điện tử với hộ và cá nhân kinh doanh theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP" do Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) và Công ty cổ phần MISA (MISA) tổ chức ngày 24/4/2025, ông Lê Hồng Quang - Tổng Giám đốc MISA - đã nhấn mạnh việc tuân thủ quy định về hóa đơn, chứng từ theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP là bước quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số, thúc đẩy kinh tế tư nhân, xây dựng hệ sinh thái kinh doanh minh bạch và chuyên nghiệp hơn.
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch VTCA đã chia sẻ những điểm mới về chính sách thuế năm 2025 đối với hộ và cá nhân kinh doanh theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 123/2020/NĐ-CP về hoá đơn, chứng từ) bắt đầu có hiệu lực từ 1/6/2025. Trong đó, đáng chú ý là các hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 1 tỷ đồng trở lên sẽ phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan thuế.
Ngoài việc bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử, Nghị định cũng khuyến khích người tiêu dùng chủ động yêu cầu xuất hóa đơn thông qua các chương trình khách hàng thân thiết, dự thưởng. Đồng thời, quy định rõ thời điểm lập hóa đơn đối với hàng hóa xuất khẩu và các dịch vụ có số lượng lớn nhằm đảm bảo tính thống nhất trong thực hiện. Các hộ và cá nhân kinh doanh cũng được khuyến khích áp dụng chế độ kế toán theo Thông tư 88/2021/TT-BTC, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tài chính và tuân thủ nghĩa vụ thuế. Theo bà Cúc, để hỗ trợ việc xác định doanh thu, chi phí và nghĩa vụ thuế theo từng lĩnh vực, ngành nghề, việc ứng dụng các giải pháp công nghệ số là yếu tố then chốt, góp phần đơn giản hóa thủ tục và tăng tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh.
Bà Lê Thị Yến - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thuế Hà Nội cho biết, quy định mới về sử dụng hóa đơn điện tử là một bước tiến nhằm thúc đẩy minh bạch doanh thu, hướng tới công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cơ quan thuế trong công tác quản lý. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều hộ kinh doanh hiện vẫn chưa hiểu đầy đủ quyền và nghĩa vụ thuế của mình. Tâm lý kinh doanh nhỏ lẻ, không xuất hóa đơn, thiếu bộ phận kế toán chuyên trách vẫn còn phổ biến. Ngoài ra, không ít hộ gặp khó khăn trong việc tiếp cận và sử dụng phần mềm hóa đơn điện tử, đặc biệt là ở khu vực nông thôn hoặc đối với người cao tuổi.
“Hiện nay, cơ quan thuế đang tiến hành rà soát doanh thu của các hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng trở lên, dựa trên dữ liệu kê khai doanh thu của hộ kinh doanh trước ngày 5/12 hằng năm - cơ sở để xác định mức thuế khoán. Những hộ đã đăng ký doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên sẽ thuộc diện bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử”, bà Yến thông tin.
Theo bà Yến, để thích ứng với yêu cầu quản lý thuế trong giai đoạn mới, các hộ và cá nhân kinh doanh cần thay đổi tư duy, từng bước chuyển đổi sang mô hình quản trị tài chính chuyên nghiệp hơn. Cụ thể, cần tiến hành rà soát số liệu tồn kho, công nợ, dòng tiền để xác định số dư đầu kỳ đưa vào hệ thống. Song song đó, cần thiết lập và chuẩn hóa các danh mục cơ bản như danh mục khách hàng, nhà cung cấp, hàng hóa, vật tư... Đặc biệt, việc lựa chọn nền tảng công nghệ phù hợp đóng vai trò quan trọng, bảo đảm sự đồng bộ trong quản lý và thuận lợi cho công tác kế toán, thuế về sau. Ví dụ, phần mềm bán hàng cần được kết nối với máy tính tiền, đồng bộ hóa việc xuất hóa đơn điện tử và sổ sách kế toán... nhằm tăng hiệu quả và giảm thiểu rủi ro trong quá trình vận hành.