Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Chile Michelle Bachelet bên lề Hội nghị cấp cao APEC tại Lima, Peru năm 2016. Ảnh: TTXVN |
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Cộng hòa Chile diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam-Chile thời gian qua tiếp tục phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực.
Tuy cách xa nhau về địa lý, nhưng quan hệ hữu nghị, đoàn kết Việt Nam-Chile đã được thiết lập từ khá lâu bởi hai nhà lãnh đạo vĩ đại của hai dân tộc là Chủ tịch Hồ Chí Minh và cố Tổng thống Salvador Allende. Việt Nam và Chile thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 25/3/1971.
Quan hệ chính trị ngày càng gắn bó và tin cậy thông qua trao đổi đoàn, tiếp xúc thường xuyên ở các cấp, ngành, nổi bật là các chuyến thăm Chile của Thủ tướng Phan Văn Khải (tháng 10/2002), Chủ tịch nước Trần Ðức Lương (tháng 11/2004) và chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống R.Lagos (tháng 10/2003). Gần đây là cuộc gặp song phương giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống M. Bachelet bên lề Diễn đàn cấp cao “Vành đai, Con đường” tại Bắc Kinh (Trung Quốc) tháng 5/2017.
Các cơ chế hợp tác song phương được duy trì thường kỳ và ngày càng hiệu quả như các phiên họp của Hội đồng tự do thương mại song phương, Tham khảo chính trị cấp thứ trưởng ngoại giao. Lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên gặp song phương bên lề các hội nghị quốc tế, đặc biệt tại Liên Hợp Quốc và Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.
Những năm qua, Chile thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực và trên thế giới. Cùng với việc đẩy mạnh quan hệ kinh tế-thương mại với các nước trong khu vực, những năm gần đây Chile tích cực triển khai chính sách hướng sang châu Á-Thái Bình Dương, một khu vực kinh tế giàu tiềm năng và đang phát triển năng động.
Chile đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA), hiệp định kinh tế bổ sung và hiệp định liên kết chiến lược với hơn 50 quốc gia trên thế giới, trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc, New Zealand, Singapore, Brunei...
Chile là thành viên tích cực tham gia các hoạt động tại các diễn đàn và tổ chức quốc tế lớn như: Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS), Phong trào Không liên kết (NAM), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Ðông Á-Mỹ latinh (FEALAC)...
Tháng 11/2011, Việt Nam và Chile đã ký Hiệp định FTA bên lề Hội nghị cấp cao APEC tại Hawaii, Hoa Kỳ. Ngày 1/1/2014, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Chile chính thức có hiệu lực. Tháng 11/2014, hai bên tổ chức phiên họp lần I Hội đồng thương mại tự do Việt Nam-Chile tại Santiago de Chile và phiên họp lần II tại Hà Nội từ ngày 14-15/7/2016.
Việt Nam và Chile đều là nền kinh tế thành viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, vì thế triển vọng hợp tác của hai nước rất đa dạng và phong phú.
Quan hệ thương mại hai chiều duy trì đà tăng trưởng cao, từ 170 triệu USD năm 2005 lên 890 triệu USD năm 2014; năm 2015 đạt 950 triệu USD; năm 2016 đạt trên 1 tỷ USD.
Trong 9 tháng năm 2017, trao đổi thương mại giữa Việt Nam-Chile đạt 955 triệu USD, đưa Chile vào nhóm 4 nước ở khu vực Mỹ Latinh có trao đổi thương mại song phương với Việt Nam đạt trên 1 tỷ USD/năm.
Hợp tác giữa hai nước ngày càng chặt chẽ và hiệu quả. Việt Nam xuất siêu 740 triệu USD, chủ yếu là hàng công nghiệp nhẹ như giày dép, sản phẩm dệt may, sản phẩm nội thất từ gỗ, clanke, xi măng, cà phê, gạo... và nhập 206 triệu USD gồm hàng thủy sản, rau quả, dầu mỡ động thực vật, gỗ và các sản phẩm gỗ, sắt thép, bột cá làm thức ăn gia súc, rượu vang... Một số nhà đầu tư hàng đầu của Chile đang thăm dò khả năng đầu tư tại Việt Nam.
Những năm qua, Việt Nam và Chile cũng đã ký nhiều văn kiện hợp tác gồm: Hiệp định hợp tác về kinh tế-thương mại, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định hợp tác về khoa học-công nghệ, Hiệp định miễn thị thực, đặc biệt là Hiệp định FTA và các hiệp định, thỏa thuận hợp tác song phương trên các lĩnh vực nông nghiệp, khai khoáng, khoa học công nghệ; thủy sản và du lịch... Hai bên duy trì thường xuyên và hiệu quả các cơ chế hợp tác; phối hợp và hợp tác tốt tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương…
Chile đã ủng hộ Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009, ứng cử vào Hội đồng kinh tế-xã hội của Liên Hợp Quốc (ECOSOC) vào tháng 10/1997; năm 2007 công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam. Việt Nam ủng hộ Chile vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2008-2010...
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Chile Michelle Bachelet Jeria nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam-Chile; trao đổi, thống nhất phương hướng và các biện pháp nhằm làm sâu sắc hơn nữa khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, nhất là trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, khoa học, công nghệ và du lịch, cũng như tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm.