Lãng phí đầu tư từ rừng xuống biển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các dự án đầu tư được phê duyệt đều có thời hạn hoàn thành, nhưng khi triển khai trên thực tế thì không ít dự án trong nhiều lĩnh vực… vượt thời hạn, thậm chí chưa thể xác định thời hạn hoàn thành khiến mục tiêu đầu tư khó đạt được, gây lãng phí nguồn lực.
Khu hậu cần cảng cá Thuận An (Thừa Thiên Huế) đang chờ đưa vào sử dụng. Ảnh: Minh Hạnh
Khu hậu cần cảng cá Thuận An (Thừa Thiên Huế) đang chờ đưa vào sử dụng. Ảnh: Minh Hạnh

Từ miền núi…

Sau 4 năm triển khai, Dự án Đường ô tô đến trung tâm hành chính xã Ninh Phước (huyện miền núi Nông Sơn, Quảng Nam) dài 5,1 km vẫn chưa thể hoàn thành. Báo cáo của chủ đầu tư cho biết, đến giữa tháng 10/2024, khối lượng nghiệm thu mới đạt 17% trên tổng giá trị gói thầu 75,614 tỷ đồng. Gói thầu này do Liên danh Công ty CP 6.3 - Công ty CP Trung Trung Bộ thực hiện. Nguyên nhân chậm tiến độ là do… vướng mặt bằng.

Ở huyện Nông Sơn, ngoài dự án trên, có nhiều công trình chậm đưa vào sử dụng, chưa phát huy hiệu quả đầu tư như: Dự án Nâng cấp nền đường từ ĐH1 đến trung tâm xã Quế Ninh phải gia hạn gần 20 tháng; Sân vận động (giai đoạn 2) chậm so với tiến độ được gia hạn gần 10 tháng; cầu Khe Sé chậm so với tiến độ được gia hạn hơn 7 tháng. Cá biệt, cầu Gò Thổ chậm so với tiến độ được gia hạn hơn 30 tháng; trạm bơm Đại Bình chậm tiến độ 40 tháng so với hợp đồng.

Trước tình trạng hàng loạt dự án chậm tiến độ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Nam Hưng đã phê bình công tác giải phóng mặt bằng của huyện Nông Sơn và yêu cầu UBND huyện Nông Sơn báo cáo giải trình, kiểm điểm trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan.

Tại huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, có nhiều công trình đầu tư hạ tầng giao thông, khu tái định cư phục vụ đồng bào dân tộc đã hết thời hạn hoàn thành, được gia hạn nhưng chưa thể về đích. Tháng 2/2022, UBND huyện Minh Hóa tổ chức khởi công Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Hồng Hóa - Yên Hóa - Quy Đạt (giai đoạn I) với tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng, thời hạn hoàn thành năm 2023, được gia hạn đến tháng 6/2024, nhưng đến nay mới đạt khoảng 70% khối lượng. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Minh Hóa làm chủ đầu tư.

Huyện Minh Hóa cũng đang triển khai đầu tư công trình kè chống sạt lở khẩn cấp Quy Đạt (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư 17,5 tỷ đồng, nhưng do chậm tiến độ, Huyện phải đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án với tổng mức đầu tư từ 17,5 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng để bảo đảm thực hiện.

Lãnh đạo UBND huyện Minh Hóa cho biết, trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư chưa thực sự sâu sát, thiếu quyết liệt trong công tác chỉ đạo; giải phóng mặt bằng ở một số công trình vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về hồ sơ, thủ tục pháp lý và các văn bản hướng dẫn… dẫn tới tiến độ triển khai công trình chậm, giải ngân nguồn vốn đạt kết quả thấp.

… đến đồng bằng

14 tỉnh, thành Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đều giáp biển nên nhu cầu đầu tư cảng cá, đê chắn sóng, đường giao thông ven biển luôn cấp bách và đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Cuối năm 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Thừa Thiên Huế (chủ đầu tư) tổ chức khởi công xây dựng Dự án Cảng cá Thuận An ở phường Thuận An, TP. Huế, kết hợp khu neo đậu tránh trú bão với tổng mức đầu tư 220 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng tháng 12/2021. Nhưng đến cuối năm 2023 Dự án mới hoàn thành, bàn giao cho Ban Quản lý cảng cá Thừa Thiên Huế. Dù vậy, Dự án tiếp tục chậm đưa vào vận hành do thiếu thủ tục xin công bố mở cảng; chưa có quyết định giao đất, giao mặt nước nên phải bổ sung hồ sơ; vướng hiện trạng luồng lạch chưa được xử lý nạo vét, gây khó khăn cho phương tiện ra vào cảng. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế, ngoài các vướng mắc trên, Dự án cũng chưa được quyết toán, chưa thanh lý tài sản công nên chưa thể đưa vào hoạt động. Những vướng mắc, trì trệ nêu trên đang gây lãng phí nguồn lực đầu tư.

Tại Quảng Ngãi, Dự án Cầu cảng Trà Bồng do Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư được khởi công năm 2010, hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2013 với tổng mức đầu tư gần 185 tỷ đồng nhưng không phát huy hiệu quả đầu tư. Thực tế, cầu cảng đang tồn tại nhiều không: không có diện tích vùng nước cảng, không đảm bảo diện tích vùng đất cảng, không đảm bảo độ sâu luồng và vùng nước trước cầu cảng để tàu cá có chiều dài 15m trở lên ra vào, không có nhà làm việc, không hệ thống phòng cháy chữa cháy nên… không có tấn hải sản nào qua cảng.

Trước những lãng phí này, ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, mới đây UBND Tỉnh đã lập các đoàn kiểm tra, đánh giá và họp bàn tìm giải pháp tháo gỡ. UBND Tỉnh đã giao Sở NN&PTNT tiếp tục lập các thủ tục đầu tư nâng cấp công trình cầu cảng sông Trà Bồng để đạt các tiêu chí cảng cá loại III theo quy định của Luật Thủy sản. “Nghĩa là, để có thể khai thác được công trình này, Sở NN&PTNT sẽ tham mưu UBND Tỉnh tiếp tục cấp thêm vốn đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của Tỉnh giai đoạn 2026 - 2030 và ưu tiên triển khai trong năm 2026”, ông Hiền cho biết.

Cũng tại Quảng Ngãi, năm 2021, UBND Tỉnh đầu tư 32 tỷ đồng thực hiện Dự án Nâng cấp, sửa chữa hoàn thiện hạ tầng các cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa, Lý Sơn, Mỹ Á, cảng cá Sa Huỳnh, Sa Kỳ gồm các hạng mục thu gom, xử lý nước thải, phòng cháy chữa cháy. Chủ đầu tư là Sở NN&PTNT, thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2023. Đến nay, hạng mục thu gom xử lý nước thải ở 5 cảng cá, cảng neo trú đã hoàn thành nhưng vẫn “trùm mền” vì chưa hoàn thành đánh giá tác động môi trường.

Năm 2019, tỉnh Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án Xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá với tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng từ nguồn kinh phí bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển. Trong đó, Dự án thành phần Nâng cấp, mở rộng cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão Nam Cửa Việt có tổng mức đầu tư 130 tỷ đồng; Dự án thành phần Nâng cấp, sửa chữa cảng cá Cửa Tùng có tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng. Hiện các dự án thành phần đang triển khai thi công, nhưng hệ thống xử lý nước thải ở 2 cảng cá không nằm trong danh mục các hạng mục được đầu tư nâng cấp do thời điểm phê duyệt đầu tư (năm 2020) chưa thi hành Luật Môi trường. Để đưa vào vận hành 2 cảng cá, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cho biết, đã đề nghị Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiếp tục bố trí nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng hoàn chỉnh.

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng, nhiều dự án đầu tư có lãng phí thấy rõ, gồm: lãng phí từ việc công trình chậm đưa vào sử dụng; tiền không tiêu hết trong khi Nhà nước phải trả lãi và nhà thầu phải vay ngân hàng để có tiền thi công; lãng phí do các công trình đội vốn.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh phân tích, khi có tiền nhưng tốc độ giải ngân quá chậm sẽ tác động tiêu cực đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế của đất nước. Do đó, cần sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng để tạo ra sức mạnh tổng hợp, thống nhất trong quản lý đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công và sử dụng công trình sau đầu tư.

Tin cùng chuyên mục