Loạt blue-chips điều chỉnh, thị trường ngóng CPI Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
Giao dịch chiều nay giằng co trên nền thanh khoản thấp nhất 10 phiên trở lại đây, nhưng biên độ biến động giá lẫn chỉ số vẫn rất hẹp. Đây là điểm tựa tích cực, vì cung cầu vẫn đang cân bằng và thị trường phát tín hiệu chờ đợi, hơn là hành động...
VN-Index tiếp tục duy trì biên độ đi ngang hẹp.
VN-Index tiếp tục duy trì biên độ đi ngang hẹp.

Giao dịch chiều nay giằng co trên nền thanh khoản thấp nhất 10 phiên trở lại đây, nhưng biên độ biến động giá lẫn chỉ số vẫn rất hẹp. Đây là điểm tựa tích cực, vì cung cầu vẫn đang cân bằng và thị trường phát tín hiệu chờ đợi, hơn là hành động.

Hai sàn phiên chiều giảm gần 24% thanh khoản so với phiên sáng, chỉ đạt 6.279 tỷ đồng. Đây là buổi chiều kém nhất về thanh khoản trong 10 phiên gần nhất. Thậm chí, nhóm VN30 chỉ giao dịch được 1.707 tỷ đồng, còn không bằng riêng nhóm cổ phiếu ngân hàng trong những ngày bình thường.

Tiền ít thì rủi ro điều chỉnh là cao. VN-Index kết phiên giảm 2,35 điểm tương đương 0,19% so với tham chiếu. Mức giảm này không đáng kể và chủ yếu cũng đến từ nhóm trụ. Thêm nữa, độ rộng của chỉ số không quá chênh lệch, với 210 mã tăng/246 mã giảm.

VN30 khá đuối khi có tới 25 mã giảm và chỉ 6 mã tăng. Tuy vậy cũng chỉ 6 mã trong số giảm mất trên 1% giá trị, hai trong số đó thuộc nhóm trụ lớn nhất là HPG giảm 1,24%, CTG giảm 1,22%. VIC, GAS, VCB, BID, TCB cũng thuộc nhóm trụ giảm giá, nhưng mức giảm không quá mạnh.

VN-Index hôm nay dựa nhiều vào các cổ phiếu vốn hóa nhỏ và trung bình. BCM tăng 2,17%, HVN tăng 3,13%, DIG tăng 2,81%, DXG tăng 3,7%, PVD tăng 5,92% thậm chí lọt vào nhóm 10 mã “gánh” điểm số nhiều nhất của chỉ số này.

Khả năng duy trì độ phân hóa tăng giảm ở cổ phiếu vẫn là biểu hiện lạc quan nhất của thị trường thời điểm này. Dòng tiền vào blue-chips khá hạn chế nên khả năng bùng nổ giá trong nhóm này rất thấp, từ đó chỉ số sẽ diễn biến chậm, thậm chí là đi ngang. Tuy nhiên cơ hội lợi nhuận vẫn xuất hiện ở các cổ phiếu khác nhau tạo sức hấp dẫn đối giữ dòng tiền ở lại.

Độ rộng sàn HoSE vẫn ghi nhận 210 mã tăng/246 mã giảm nhưng biên độ hẹp: Nhóm giảm giá chỉ có 79 mã điều chỉnh hơn 1%, nhóm tăng giá có 103 mã tăng trên 1%. 14 mã tăng kịch trần toàn là các mã vừa và nhỏ như TGG, TNT, NBB, CII, IJC, BMC, DXS...

Tổng thanh khoản hai sàn niêm yết phiên hôm nay giảm 8,8% so với phiên trước, đạt 14.495 tỷ đồng. Đây là mức thấp nhất 8 phiên, dù vẫn cao hơn nền thanh khoản của 3 tuần tạo đáy trước đó. Mức thanh khoản giảm một phần do khối ngoại giảm cường độ giao dịch. Tại HoSE, tổng mức giải ngân phiên này chỉ đạt 622,6 tỷ đồng, thấp hơn hôm qua khoảng 15%. Quy mô mua này chỉ chiếm 4,3% tổng giao dịch của sàn. Khối này cũng mua ròng nhẹ hơn 50 tỷ và không có cổ phiếu nào nổi bật. Mua ròng tốt nhất là HDB cũng chỉ đạt 26,3 tỷ đồng.

Mặc dù thanh khoản chung đang chững lại, nhiều mã vẫn thu hút dòng tiền tích cực và giá tăng tốt, tiêu biểu như PVD tăng 5,92% giao dịch 292,4 tỷ đồng, DXS tăng 3,7% thanh khoản 436,9 tỷ, DIG tăng 2,81%, giao dịch 415,7 tỷ, SCR tăng 2,8% giao dịch 93,8 tỷ, HBC tăng 2,55% giao dịch 146,8 tỷ...

Thị trường đã kết thúc mạch thông tin kết quả kinh doanh quý 2 và việc tái định giá cổ phiếu đang diễn ra. Thanh khoản đang ổn định ngưỡng 14-15 ngàn tỷ đồng và chưa có tín hiệu nào sẽ gia tăng mạnh hơn. Đêm nay Mỹ sẽ công bố báo cáo lạm phát tháng 7. Với đà giảm giá nhiên liệu và lương thực, khả năng cao tốc độ tăng CPI cũng sẽ giảm. Thị trường trông đợi mức biến động này để dò đoán quan điểm tăng lãi suất của FED trong tháng 9 tới.

Tin cùng chuyên mục