Trong lĩnh vực bất động sản, nhà đầu tư nước ngoài chọn M&A vì đây là cách thức nhanh chóng, hiệu quả để có được dự án, giảm bớt thời gian thực hiện các thủ tục… Ảnh: Lê Tiên |
Thời gian qua, nhiều chủ trương chính sách mới liên quan đến lĩnh vực đầu tư nước ngoài (ĐTNN) được ban hành. Đó là Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị với những định hướng rõ ràng về nâng cao chất lượng đầu tư nước ngoài phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Luật Đầu tư 2020 là điểm nhấn quan trọng thể hiện sự đổi mới, phù hợp với xu thế mới về thu hút đầu tư trong tương lai. Luật Doanh nghiệp 2020 với những quy định cởi mở, tạo thuận lợi thông thoáng hơn cho hoạt động đầu tư kinh doanh, trong đó có doanh nghiệp ĐTNN… Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các văn bản hướng dẫn đang được gấp rút hoàn thiện, để kịp phục vụ cho triển khai 2 luật từ 1/1/2021.
Theo ông Trần Thanh Tùng, Luật sư thành viên Công ty Luật Global Vietnam Lawyers, Luật Đầu tư 2020 quy định điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà ĐTNN theo cơ chế chọn - bỏ, quy định danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà ĐTNN. Cách tiếp cận chọn - bỏ này mở rộng khả năng gia nhập thị trường của nhà ĐTNN, tạo cơ hội cho nhà ĐTNN tham gia ngày càng nhiều vào các lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp 2020 có những quy định về bảo vệ nhà đầu tư cao nhất trong các luật từ trước đến nay. Trong đó hoàn thiện thể chế công ty cổ phần theo thông lệ tốt trên thế giới, như hoàn thiện quy chế về ủy ban kiểm toán, thư ký công ty; tăng quyền của cổ đông trong việc kiện người quản lý; tăng trách nhiệm và nghĩa vụ giải trình của người quản lý… Quy định về mua chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết tại Luật Doanh nghiệp 2020 cũng là tiềm năng mới của hoạt động M&A đối với những trường hợp nhà ĐTNN hết room nắm vốn trong doanh nghiệp. “Những quy định mới này có thể tạo ra lực đẩy lớn cho hoạt động M&A trong tương lai”, ông Trần Thanh Tùng nhận định.
Các chuyên gia cho rằng một trong những lý do nhà ĐTNN chọn M&A là muốn chớp cơ hội nhanh chóng để tìm kiếm các dự án đầu tư, trong đó tận dụng các điều kiện sẵn có của doanh nghiệp mà họ dự kiến M&A, tiết kiệm nhiều thời gian so với đầu tư trực tiếp truyền thống… Nói riêng về M&A trong lĩnh vực bất động sản, bà Ngô Thị Vân Quỳnh, Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH An Legal chia sẻ, lý do nhà ĐTNN chọn hình thức M&A vì đây là cách thức nhanh chóng, hiệu quả để nhà đầu tư có được dự án bất động sản nhanh nhất, giảm bớt thời gian thực hiện các thủ tục, tập trung quỹ đất phát triển dự án trong trung và dài hạn...
Theo bà Ngô Thị Vân Quỳnh, thủ tục đầu tư tại Luật Đầu tư 2020 đã tháo gỡ nhiều điểm chồng chéo về mặt thủ tục hiện đang có giữa Luật Đầu tư 2014 và Luật Nhà ở 2014 như thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư; đồng thời quy định quy trình rõ ràng, rút ngắn nhiều thời gian đối với dự án nhà ở, khu đô thị…; quy định thêm cách thức điều chỉnh dự án đầu tư và nhiều phương án M&A… Bà Quỳnh hy vọng thị trường M&A được hưởng lợi từ những cải cách thủ tục hành chính này.
Bên cạnh khung pháp lý, thì tác động của dịch Covid-19 dẫn đến sự dịch chuyển dòng vốn ĐTNN cũng có thể đem đến những cơ hội mới cho Việt Nam trong thu hút nguồn vốn FDI. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, tuy số dự án mới, điều chỉnh vốn và cả số lượt góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN trong 10 tháng đầu năm 2020 đều giảm so với cùng kỳ 2019 do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án ĐTNN, nhưng xét trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh thì kết quả này tốt hơn nhiều quốc gia khác, thể hiện sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt giới đầu tư quốc tế.