Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ảnh minh họa: TTXVN |
Theo chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, ngày 12/6/2017, các đại biểu Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Luật này ra đời sẽ góp thêm động lực để thực hiện mục tiêu đến năm 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động nhằm tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, việc xây dựng và ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là cơ hội tốt để làm cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo đúng tinh thần của Chính phủ kiến tạo.
Các nội dung hỗ trợ và các chương trình mục tiêu được đưa ra tại Dự thảo là những nội dung rất quan trọng, cần thiết, đáp ứng mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được xây dựng theo hướng bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về đổi mới mô hình tăng trưởng, không vi phạm nguyên tắc thị trường và các điều ước quốc tế.
Dự thảo đưa ra các hỗ trợ có chọn lọc, trọng tâm, trọng điểm, đồng thời bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính khả thi trong cân đối nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được xây dựng theo quan điểm hỗ trợ theo quy mô mà đối tượng áp dụng là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa.
Dự thảo được thiết kế theo hướng những nội dung hỗ trợ doanh nghiệp mà các luật khác đã quy định thì luật này chỉ quy định nguyên tắc chung hoặc dẫn chiếu để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Nội dung của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa mang tính khung chính sách và để triển khai thực hiện sẽ tiếp tục quy định cụ thể hoá trong văn bản hướng dẫn thi hành.
Dự thảo luật quy định các nội dung hỗ trợ gồm: hỗ trợ chung cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa là những hỗ trợ thiết yếu đối với tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa như hỗ trợ tiếp cận vốn từ các ngân hàng, thuế, thuê mặt bằng sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp, đào tạo, thông tin, tư vấn, pháp lý…
Hỗ trợ cho một số đối tượng trọng tâm có tính chọn lọc, trọng điểm theo định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và tự chủ của nền kinh tế, chỉ giới hạn đối tượng là doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị…/