Mở sơ tuyển nhà đầu tư Dự án Dầu Giây - Phan Thiết: Dự án 12 năm sắp sang trang mới

(BĐT) - Ngày hôm qua (15/7), Dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây đã mở sơ tuyển. Đây là đoạn tuyến có tổng vốn đầu tư lớn nhất trong số 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức BOT của Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cũng là dự án long đong, đã đi qua hơn một thập kỷ từ khi bắt đầu chuẩn bị Dự án.
Dự án Dầu Giây - Phan Thiết là dự án mở sơ tuyển cuối cùng trong số 8 dự án thành phần thuộc Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Ảnh: Hoài Tâm
Dự án Dầu Giây - Phan Thiết là dự án mở sơ tuyển cuối cùng trong số 8 dự án thành phần thuộc Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Ảnh: Hoài Tâm

9 nhà đầu tư dự sơ tuyển

Dự án Dầu Giây - Phan Thiết có tổng vốn đầu tư 614 triệu USD, trong đó vốn nhà nước tham gia 106 triệu USD. Theo Ban Quản lý dự án Thăng Long (bên mời thầu), trong 2 tháng phát hành hồ sơ mời sơ tuyển (HSMST) rộng rãi quốc tế, đã có 25 nhà đầu tư mua HSMST, gồm 16 nhà đầu tư trong nước và 9 nhà đầu tư nước ngoài.

Đến thời điểm đóng sơ tuyển, có 9 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự sơ tuyển (HSDST), trong đó có 6 liên danh và 3 nhà đầu tư độc lập. Ngoài doanh nghiệp (DN) trong nước, có nhiều DN đến từ Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc tham dự sơ tuyển.

Cụ thể, 3 nhà đầu tư độc lập là China Railway 16th Bureau Group Co., Ltd; Hyundai Engineering & Construction Co., Ltd; Lotte Engineering & Construction Co., Ltd..

6 nhà đầu tư liên danh gồm Liên danh China Harbour Engineering Company Limited - Công ty CP Đầu tư xây dựng 194; CRIG - CRCI - Nguyen Minh; Liên danh Công ty Hữu hạn CP Tập đoàn Cát Châu Bá (CGGC) - Công ty CP FECON; Liên danh Công ty CP Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova - GS Engineering & Construction; Metro Pacific Tollways Corporation - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 - Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620 (MPTC - CIENCO 6 - IDIC 620); VINCI Highways - Horizon Invest.

Dự án Dầu Giây - Phan Thiết là dự án mở sơ tuyển cuối cùng trong số 8 dự án thành phần thuộc Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông. 7 dự án còn lại đã mở sơ tuyển trong hai ngày 8 và 9/7/2019, với số lượng nhà đầu tư dự sơ tuyển thấp nhất là 5 nhà đầu tư/dự án và cao nhất là 11 nhà đầu tư/dự án. Trong danh sách nhà đầu tư dự sơ tuyển tại Dự án Dầu Giây - Phan Thiết có một số gương mặt đã tham dự sơ tuyển tại 7 dự án mở trước, như China Harbour Engineering Company Limited, Công ty CP Đầu tư xây dựng 194, VINCI Highways - Horizon Invest...

Bên cạnh đó, tham dự sợ tuyển tại dự án hơn 14 nghìn tỷ đồng này có nhiều tên tuổi mới, có thể kể đến MPTC - công ty con của Metro Pacific Investments Corporation, tập đoàn đầu tư kết cấu hạ tầng lớn nhất Philippines. Năm 2018, MPTC đã đầu tư vào Việt Nam và đang nắm giữ 44,94% vốn điều lệ của Công ty CP Đầu tư cầu đường CII.

Địa ốc Nova, FECON, GS Engineering & Construction của Hàn Quốc, CGGC - một doanh nghiệp nhà nước lớn của Trung Quốc… cũng là những nhà đầu tư lớn tham gia vào cuộc đua giành dự án này. 

Bước ngoặt mới của Dự án

Dự án Dầu Giây - Phan Thiết có chiều dài tuyến khoảng 99 km. Dự án đã được khởi động cách đây 12 năm, là dự án được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Năm 2007, Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco đã được giao lập đề xuất Dự án, năm 2012 được chỉ định làm nhà đầu tư thứ nhất, giữ 60% cổ phần doanh nghiệp dự án. Theo Quyết định số 1597/QĐ-TTg ngày 26/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành cơ chế quản lý, thực hiện Dự án PPP cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Bitexco không chỉ là nhà đầu tư của giai đoạn chuẩn bị Dự án (nhà đầu tư đề xuất Dự án) mà còn là nhà đầu tư của giai đoạn thực hiện và giai đoạn khai thác, vận hành Dự án nếu đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư thứ hai thành công.

Sau nhiều năm Dự án không có tiến triển, tại Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28/3/2018 của Chính phủ về Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Thủ tướng Chính phủ quyết định chấm dứt việc chỉ định Bitexco là nhà đầu tư thứ nhất thực hiện Dự án. Dự án được đưa ra tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Bitexco đã quyết định không tham gia đấu thầu.

Qua sơ tuyển rộng rãi quốc tế với sự tham dự của 9 nhà đầu tư, có thể thấy Dự án Dầu Giây - Phan Thiết có sức hấp dẫn lớn với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cuộc cạnh tranh sòng phẳng, tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế theo đúng thông lệ được kỳ vọng sẽ giúp Dự án bước sang trang mới sau hơn một thập kỷ nằm trên giấy.